Người dân đang gia cố, đắp đập, đặt máy bơm nước để kịp thời cứu lúa. Ảnh: baolongan.vn |
Theo đó, toàn huyện Tân Hưng gieo sạ trên 37.000 ha lúa, đến thời điểm này thu hoạch trên 6.000 ha và khoảng 500 ha lúa bị ngập, gần 9.500 ha bị đe dọa ở các xã Thạnh Hưng, Vĩnh Thạnh, Vĩnh lợi, vĩnh Bửu.
Riêng tại huyện Vĩnh Hưng, người dân đã thu hoạch gần 1.000/28.500 ha tại một số xã vùng thấp của huyện. Nhiều diện tích lúa cũng đang bị ảnh hưởng; trong đó có 56 ô đê bao với diện tích khoảng 3.000 ha. Nếu mực nước tiếp tục tăng từ 20cm - 40cm, huyện Tân Hưng sẽ phải tập trung phòng chống, gia cố đê bao.
Cũng theo ông Võ Kim Thuần, dự báo từ nay đến đầu tháng 8/2018, mực nước lũ trạm Tân Hưng, Vĩnh Hưng có khả năng trên mức 2m; trạm Mộc Hoá trên mức 1,2m (cao hơn từ 0,2m - 0,3 m so cùng kỳ năm 2017). Đây là đợt lũ sớm, xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và có thể còn diễn biến phức tạp.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó và giảm thiệt hại do lũ sớm, UBND tỉnh Long An yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hoá, Tân Thạnh, Thạnh Hoá và thị xã Kiến Tường khuyến khích người dân chủ động thu hoạch lúa Hè Thu, nhất là các khu vực trũng thấp không có đê bao, bờ bao bảo vệ an toàn.
Rà soát các diện tích sản xuất lúa Hè Thu và Thu Đông năm 2018, lập kế hoạch kiểm tra, rà soát các tuyến đê bao lửng chưa khép kín và triển khai thi công, gia cố cấp bách các tuyến đê bao lửng để bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh; gia cố đê bao phải được rà soát đúng quy hoạch, gia cố sớm để có thời gian ổn định mới tôn cao nhiều lần; vận động người dân không gieo sạ tại những vùng trũng thấp, không có đê bao bảo vệ an toàn, để tránh bị thiệt hại do lũ.
Ngoài ra, các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, thị xã Kiến Tường có kế hoạch kiểm tra các tuyến đê bao thị trấn, trạm bơm tiêu úng bảo vệ khu dân cư, có kế hoạch tu bổ, sửa chữa kịp thời đảm bảo tiêu úng cho khu vực.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai và có phương án đảm bảo an toàn cho công trình và người dân trong mùa lũ. Tổ chức khơi thông dòng chảy, phá bỏ chướng ngại vật cản trở tiêu thoát lũ trên các sông, kênh, rạch trước khi lũ về.