Khẩn trương bảo vệ vụ Hè Thu do lũ về sớm

Thời tiết bất thường khiến hàng chục nghìn ha lúa Hè Thu của vùng Đồng Tháp Mười chuẩn bị thu hoạch bị nước lũ về sớm đe dọa. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền tỉnh Long An cùng nông dân khẩn trương thực hiện giải pháp để bảo vệ diện tích lúa, giảm thiệt hại cho nông dân.

Người dân xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng phải vất vả để thu hoạch lúa đang bị ngập sâu dưới nước. Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, nước lũ về sớm hơn mọi năm đe dọa hơn 100.000 ha lúa Hè Thu, chủ yếu ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa và thị xã kiến Tường; trong đó, khoảng 20.000 ha lúa Hè Thu có nguy cơ mất trắng hoặc giảm năng suất. Địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở Tân Hưng khoảng 5.000 ha, Vĩnh Hưng gần 8.000 ha, Mộc Hóa hơn 5.000 ha và Kiến Tường trên 2.000ha.

Tại huyện Vĩnh Hưng, mực nước tăng mỗi ngày và cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 từ 0,6 - 0,9m. Trong khi đó, diện tích lúa Hè Thu hiện mới thu hoạch 7.400 ha/28.419 ha, đạt 26,03% tổng diện tích. Dự báo, toàn huyện có khoảng 38 vùng xung yếu sẽ bị ảnh hưởng bởi nước lũ do có hệ thống đê bao lửng thấp với diện tích sản xuất gần 8.000 ha. Nguy cơ thiệt hại về sản xuất sẽ rất lớn nếu không có biện pháp phòng, ngừa kịp thời. Chính quyền huyện Vĩnh Hưng huy động lực lượng, vận động người dân đắp đập, bè bờ chống lũ tràn vào đồng ruộng. Những điểm lúa chín khẩn trương thu hoạch chạy lũ hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ về sớm.

Ông Lâm Hòa Xứng Chủ tịch Ủy ban nhân huyện Mộc Hóa cho biết, địa phương có khả năng bị ngập úng và thiệt hại hơn 5.000 ha ở 6 xã, nhiều nhất là xã Tân Lập có thể bị ảnh hưởng hơn 1.400ha. Huyện Mộc Hóa huy động lực lượng giúp dân chống lũ tràn bờ, gia cố các đoạn kênh xung yếu, ngày đêm dùng bơm công suất lớn để bơm nước cứu lúa.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Kiến Tường, địa phương có hơn 2.000 ha lúa Hè Thu nguy cơ mất trắng do lũ về sớm. Các cấp Đảng và chính quyền thị xã Kiến Tường khẩn trương giúp dân chống lũ. Đồng thời, vận động người dân cấp bách gia cố các tuyến đê bao lửng để bảo vệ an toàn sản xuất. Thị xã huy động hàng trăm người đắp các đập đê ngăn không cho lũ tràn vào ruộng. Người dân sử dụng vận dụng, phương tiện hiện có như: cây, bạt, lưới B40 và các vật dụng khác để gia cố những đoạn kênh, đập xung yếu. Các đội xung kích ở xã, phường cùng tham gia với dân trong công tác ứng phó với lũ.

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An phối hợp chặt chẽ với chính quyền huyện và thị xã thuộc vùng Đồng Tháp Mười thực hiện biện pháp cấp bách bảo vệ hơn 100.000 ha lúa Hè Thu. Cơ quan này tham mưu UBND tỉnh Long An yêu cầu UBND các huyện và thị xã thuộc vùng Đồng Tháp Mười rà soát diện tích sản xuất lúa Hè Thu và Thu Đông, có kế hoạch thi công, gia cố khẩn trương tuyến đê bao lửng bảo vệ lúa. Về lâu dài, vận động nông dân không gieo sạ tại những nơi không có đê bao an toàn để tránh thiệt hại...

Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An chỉ đạo, các huyện và thị xã Kiến Tường thuộc vùng Đồng Tháp Mười kiểm tra các trạm bơm tiêu úng bảo vệ khu dân cư, các tuyến đê bao, bờ bao ngăn lũ; tiến hành gia cố, duy tu, sữa chữa kịp thời các khu vực xung yếu để bảo vệ sản xuất và người dân. Các huyện và thị xã đẩy nhanh thi công các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai và có phương án bảo đảm an toàn công trình và người dân trong đợt lũ này. Dòng chảy được khơi thông, phá bỏ chướng ngại vật cản trở việc tiêu thoát lũ trên các dòng kênh, rạch để không bị úng nước cục bộ gây lũ tràn đồng ruộng.

Chính quyền các huyện và thị xã chủ động giúp người dân thu hoạch nhanh lúa Hè Thu, nhất là lúa Hè Thu vùng trũng và nằm ngoài bờ bao. Ủy ban nhân dân các huyện và thị xã vùng lũ của tỉnh xây dựng các phương án và biện pháp đối phó, khắc phục khi xảy ra lũ về sớm.

Việc thu hoạch vụ Hè Thu năm 2017 được theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ, phát động nhân dân củng cố hệ thống đê bao lửng, hệ thống bờ vùng, bờ thửa chống lũ sớm, tổ chức thu hoạch nhanh gọn lúa Hè Thu để tránh lũ. Đối với những vùng ngập sâu phải có phương án sơ tán dân vào các cụm, tuyến dân cư, tổ chức các điểm giữ trẻ tập trung trước khi nước lũ dâng cao, khuyến cáo người dân chuẩn bị ngư lưới cụ để đánh bắt thủy sản phục vụ đời sống khi bị ngập sâu, kéo dài...

Trần Hữu Hiếu (TTXVN)
Nước lũ về Đồng Tháp Mười, giá cá linh đầu mùa cao kỷ lục
Nước lũ về Đồng Tháp Mười, giá cá linh đầu mùa cao kỷ lục

Giá cá linh đầu mùa lũ được người dân đánh bắt và bán ở chợ xã Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) lên đến 250.000 – 280.000 đồng/kg, đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN