Theo báo cáo nhanh của Tổng cục Phòng chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn khu vực ĐBSCL có hơn 600 điểm sạt lở trên chiều dài gần 800 km, trong đó có 55 điểm đặc biệt nguy hiểm và 140 điểm ở mức nguy hiểm. Đặc biệt, tình hình sạt lở ở ĐBSCL đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng vào mùa mưa bão và lũ về. Chỉ tính từ đầu mùa mưa cho đến nay, tại các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang... đã có gần 20 vụ sạt lở lớn nhỏ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của hàng trăm hộ dân.
"Tại tỉnh Đồng Tháp, mới đây, do ảnh hưởng mực nước lên nhanh, dòng chảy mạnh của nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã liên tiếp đã làm trụ bê tông nặng hàng chục tấn của trạm bơm sụt lún, chìm xuống đáy sông, gây thiệt hại hơn 4 tỷ đồng. Hiện tỉnh Đồng Tháp đã cho đổ cát lắp hố xoáy để giảm thiểu sạt lở và tiến hành xây kè bảo vệ", ông Trần Văn Dũng - Giám đốc công ty nước Đông Bình cho hay.
Còn tại tỉnh An Giang, hiện mực nước lên cao liên tục, bất thường dẫn đến nguy cơ sạt lở diễn biến rất phức tạp. Hiện toàn tỉnh có 51 khu vực cảnh báo sạt lở, bao gồm 23 điểm cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến 20.000 hộ dân, trong đó có hơn 5.380 hộ dân cần phải được di dời khẩn cấp. Ngay khi mùa mưa lũ về, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền cho cộng đồng dân cư nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc phòng, ngừa và xử lý sạt lở bờ sông, đồng thời khuyến cáo để người dân cảnh giác, đề phòng sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Theo các chuyên gia trong ngành, để giải quyết căn cơ tình trạng sạt lở ở các tỉnh ĐBSCL thường xảy ra cao điểm vào mùa mưa lũ như hiện nay, các tỉnh trong khu vực cần tập trung xử lý triệt để tình trạng khai thác cát sỏi trên các dòng sông; không quy hoạch, cấp phép quá mức. Ngoài ra, công tác trồng rừng giữ đất, nhất là cây đước, sú vẹt... cũng phải được xem như giải pháp cốt lõi giúp hạn chế tình trạng sạt lở. Song song đó, từng bước quy hoạch lại khu dân cư, tái định cư... ổn định sinh kế lâu dài, bền vững cho người dân khu vực có nguy cơ sạt lở.
"Sở Tài nguyên và Môi trường đang sử dụng kết quả tính toán những mô hình của dự án đo đạc và dự báo diễn biến lòng dẫn các đoạn sông xói lở trọng điểm trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ cho việc khai thác khoáng sản, nạo vét khai thông luồng, chỉnh trị dòng chảy nhằm hạn chế sạt lở. Trước đó, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, bố trí lại dân cư, kiểm soát và hạn chế việc xây dựng các điểm dân cư tập trung tại các vùng sát bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ cao", ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết.
Riêng tỉnh Hậu Giang, nơi tình hình sạt lở đang diễn biến phức tạp, tỉnh đã yêu cầu các địa phương khẩn trương khắc phục những điểm sạt lở, có kế hoạch di dời những hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở an toàn. Ngành nông nghiệp đã tổ chức gia cố, duy tu sửa chữa các tuyến đê bao ngăn lũ, triều cường nhằm bảo vệ tốt cho vùng lúa, mía, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản và hoa màu. Các huyện trong vùng sạt lở tiến hành kiểm tra tất cả các tuyến kênh và những điểm có nguy cơ sạt lở có giải pháp khắc phục kịp thời. Trước mắt là vận động bà con di dời đến nơi an toàn, đồng thời thực hiện một số công trình chống sạt lở như kè sinh thái…
Tính toán của ngành nông nghiệp, khắc phục tình trạng sạt lở mỗi khi mùa mưa về, các tỉnh ĐBSCL cần hơn 6.990 tỉ đồng đầu tư xây dựng các công trình kè, đê và di dời dân khỏi vùng sạt lở. Trước mắt ngay trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ 1.500 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 cho vùng ĐBSCL xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu.