Ngày 23/6, báo cáo với Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh An Giang, ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết: Tình trạng dông lốc và sạt lở đất ngày càng phức tạp tại địa phương.
An Giang là tỉnh đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long, có 4 huyện cù lao nằm giữa sông Tiền, sông Hậu, 7 huyện thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên và gần 100 km đường biên giới giáp với Campuchia. An Giang có hệ thống sông, kênh mương chằng chịt với các sông: Tiền, Hậu, Vàm Nao, Bình Ghi, Châu Đốc; cùng với kênh rạch lớn như: Vàm Sáng, Ông Chưởng, Long Xuyên, Vĩnh Tế... Ngoài ra, An Giang là một trong hai tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long (cùng với Kiên Giang) có địa hình vừa đồng bằng vừa đồi núi. Do đó, An Giang thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như: lũ, dông lốc, sét, hạn kiệt, mưa trái mùa và sạt lở đất ở các bờ sông, kênh rạch.
Theo Ban Chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, những tháng đầu năm 2020, diễn biến thiên tai trên địa bàn tỉnh khá bất thường như: hạn hán và nắng nóng trên 36 độ C kéo dài từ tháng 11/2019 đến tháng 4/2020; tình trạng mưa kèm theo dông lốc, sạt lở đất bờ sông từ tháng 4/2020 đến nay diễn biến khá phức tạp về quy mô và số lượng. Thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là dông lốc và sạt lở đất từ tháng 4 đến tháng 6/2020 gây thiệt hại với quy mô lớn, diện rộng trên địa bàn tỉnh An Giang.
"Trong 6 tháng đầu năm 2020 thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn An Giang ước khoảng 5,7 tỷ đồng. Trong đó, đã xảy ra 17 điểm sạt lở, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài sạt lở 520 m, ảnh hưởng đến 71 căn nhà của người dân sống trong khu vực; ước thiệt hại về đất là khoảng 2,4 tỷ đồng. Riêng sạt lở tại xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú) ngày 27/5/2020 vẫn đang được ước tính thiệt hại. Bên cạnh đó, trong thời gian này, trên địa bàn tỉnh xảy ra 34 vụ mưa, dông, lốc... làm 1 người bị thương và thiệt hại 135 căn nhà, trên 250 ha lúa, hoa màu vụ Hè Thu; ước thiệt hại về tài sản khoảng 3,3 tỷ đồng", ông Lương Huy Khanh cho biết thêm.
Để chủ động phòng, chống thiên tai, tỉnh An Giang đã xây dựng 6 phương án về phòng, chống thiên tai như: phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão; phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh; phương án chủ động phòng, chống, ứng phó với lũ lớn; phương án chủ động phòng, ngừa và ứng phó với dông, lốc xoáy và phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm đê cấp III năm 2020 vùng đông Kênh Bảy Xã, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Tỉnh An Giang cũng tập trung rà soát, cập nhật phương án ứng phó với các loại hình thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai mà tỉnh đã xây dựng trước đây theo sổ tay hướng dẫn xây dựng phương án của Ban Chỉ đạo Trung ương như: hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, mưa dông, lốc,…
Nhằm giảm thiểu tác động của lũ, sạt lở gây ra, từ năm 2001 đến nay, được sự hỗ trợ của Trung ương, An Giang đã đầu tư xây dựng 247 cụm tuyến dân cư vượt lũ và 1 cụm tuyến dân cư sạt lở. Qua đó, tỉnh đã sắp xếp, bố trí chỗ ở ổn định cho hơn 40.200 hộ bị ảnh hưởng, góp phần giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra đối với đời sống người dân. Tuy nhiên, việc rà soát cho thấy, hiện nay An Giang vẫn còn trên 26.500 hộ dân sống trên các tuyến sông, kênh rạch, trong đó có trên 8.100 hộ sống trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng nhưng chưa có cụm tuyến dân cư để chủ động di dời.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tiếp tục xem xét, đề xuất Chính phủ hỗ trợ thực hiện đầu tư 16 cụm tuyến dân cư để bố trí, sắp xếp dân cư nhằm phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai cho 5.283 hộ giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương phối hợp với các viện, các trường đại học nghiên cứu về vùng Đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án tăng cường tích nước, trữ nước ở 3 phân vùng nhằm thích ứng với hạn, mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu và tác động của nguồn nước ở thượng nguồn trong thời gian tới.
Thay mặt Đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư kí Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trưởng Đoàn kiểm tra, đã đánh giá cao sự chủ động, tích cực, sáng tạo của tỉnh An Giang trong công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua như: triển khai xây dựng các phương án phòng, chống thiên tai rất bài bản; công tác cảnh báo, dự báo được tỉnh triển khai nhanh, kịp thời nên hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; An Giang đã xây dựng được 6 phương án về phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hải Anh nêu rõ: Diễn biến thiên tai hiện nay rất khó lường, do An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long nên lũ, sạt lở bờ sông sẽ diễn biến phức tạp. Dự kiến, mùa lũ năm 2020 sẽ rất khó lường, vì vậy tỉnh An Giang cần sớm xây dựng kế hoạch phòng, chống lũ, sạt lở bờ sông để đảm bảo tài sản, tính mạng của người dân ở các vùng có nguy cơ.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh An Giang, ông Nguyễn Hải Anh cho biết, Đoàn kiểm tra sẽ ghi nhận và báo cáo với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để kịp thời tháo gỡ cho địa phương.