Thông qua chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong hơn 10 năm qua, nông thôn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã dần khởi sắc, khang trang hơn, đẹp hơn. Đời sống kinh tế phát triển hơn, người dân tiếp cận với văn minh nhiều hơn so với trước đây.
Khởi sắc từ trong nhận thức
Hơn 10 năm trước, ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, vệ sinh môi trường, nâng cao văn hóa là một điều dường như rất lạ, rất xa đối với người dân nông thôn đồng bằng sông Cửu Long. Đây chính là những trở ngại ban đầu để khu vực này thực hiện xây dựng nông thôn mới. Bởi, đối với người dân nông thôn, cách sống xuề xòa, giản dị đã trở thành thói quen. Việc thay đổi một thói quen không phải qua một thời gian ngắn mà chính quyền địa phương nơi đây đã vận động, giải thích cặn kẽ những lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới. Từ đó, đầu tư cho nông thôn trở nên khang trang giúp ích cho đời sống tinh thần, vật chất của người dân ngày càng được cải thiện. Đây là điều kiện để người dân nông thôn có thêm nhiều cơ hội phát triển đời sống kinh tế và sản xuất.
Tỉnh Cà Mau với đặc thù là vùng sông nước, kênh rạch chằng chịt đi lại rất khó khăn nên xuất phát điểm của tiêu chí giao thông nông thôn rất thấp. Thế nhưng, bằng sự huy động toàn lực, từ Nhà nước đến doanh nghiệp, nhân dân trong việc hiến đất, góp tiền làm đường, Cà Mau đã đầu tư xây dựng mới được gần 3.800 km đường nông thôn đạt tiêu chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải gồm: hơn 2.800 km đường trục ấp, liên ấp; khoảng 1.000 km đường xóm, nhánh và gần 2.300 cầu giao thông nông thôn. Ðến nay, tất cả 82 xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau có đường ôtô về đến trung tâm xã.
Tại Sóc Trăng, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 35% tổng dân số của tỉnh. Chính vì vậy, việc triển khai các mô hình và dự án phát triển kinh tế trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với những khu vực khác. Nhờ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã lan tỏa đến khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân nông thôn của Sóc Trăng đã dần hiểu được phải có sự liên kết, kết nối với các đơn vị liên quan mới có thể phát triển kinh tế bền vững và lâu dài.
Huyện Vĩnh Châu vốn là huyện ven biển của tỉnh Sóc Trăng với hơn 53% đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, do xa trung tâm, kết cấu hạ tầng của Vĩnh Châu chưa được đầu tư và địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao. Sau khi được thụ hưởng chính sách của Nhà nước đầu tư cho vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, Vĩnh Châu như khoác lên chiếc áo mới và trở thành thị xã ven biển của tỉnh Sóc Trăng.
Ông Sơn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu nhận xét: với sự đầu tư của Ðảng và Nhà nước, cùng với sự kêu gọi xã hội hoá trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, mức sống của người dân tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị xã cơ bản ổn định và có bước phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,5%.
Hiện nay, 100% số xã, phường có đường ôtô đến trung tâm và 60% số ấp, khóm có đường trục giao thông; 100% số xã có trường, lớp học kiên cố; hơn 80% diện tích đất nông nghiệp có hệ thống thủy lợi được cải tạo, bảo đảm tưới tiêu phục vụ tốt trong sản xuất. Mạng lưới điện quốc gia phủ khắp các xã; văn hóa, giáo dục, y tế cơ bản hoàn thiện; an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.
Xuất khẩu nhiều sản phẩm OCOP
Hiệu quả xây dựng nông thôn mới không chỉ thể hiện qua con đường, nhà văn hóa, nếp sống văn minh, mà còn được thể hiện qua năng lực sản xuất của người dân, khu vực nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này được chứng minh thông qua các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như lãnh đạo các địa phương cấp giấy chứng nhận từ ba sao trở lên.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long có gần 700 sản phẩm OCOP, chiếm 17,3% số sản phẩm OCOP cả nước; trong đó, số lượng sản phẩm đạt 3 sao chiếm gần 62,7% và 33% sản phẩm 4 sao. Đứng đầu là tỉnh Đồng Tháp với hơn 260 sản phẩm, Sóc Trăng hơn 140 sản phẩm, Bến Tre hơn 130 sản phẩm.
Các địa phương trong vùng đã phát huy lợi thế của các sản phẩm vùng miền, gắn với thế mạnh của vùng như lúa gạo, trái cây, thủy sản, du lịch sinh thái... để lựa chọn, tập trung phát triển các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của từng địa phương. Sản phẩm OCOP của vùng từng bước hình thành chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất; sản phẩm có chất lượng an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, tỉnh có 5 sản phẩm đề xuất 5 sao cấp quốc gia, 11 sản phẩm đạt 4 sao và 38 sản phẩm đạt 3 sao. An Giang hiện đang phấn đấu có thêm 20 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên và có 2 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng cấp quốc gia.
Chương trình OCOP đã hỗ trợ người dân trong quá trình tổ chức lại sản xuất và nâng tầm phát triển các sản phẩm có lợi thế tại địa phương, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và bao bì, nhãn hiệu, đẩy mạnh thương mại hóa, tạo giá trị gia tăng cao. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho các chủ thể sản xuất, góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động ở nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
Theo ông Huỳnh Quang Đức, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Bến Tre, những sản phẩm đặc trưng của OCOP của Bến Tre được xem là những mô hình sản xuất tốt, cần được hoàn thiện và khuyến khích nhân rộng.
Hiện các sản phẩm OCOP của Bến Tre đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm OCOP cùng loại trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhờ phát huy những giá trị tinh hoa, thế mạnh của địa phương.
Các chủ thể OCOP luôn hoàn thiện, đổi mới sản phẩm, áp dụng theo những tiêu chuẩn chất lượng như: HACCP, VietGAP, GlobalGAP, ISO, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý…
Ông Huỳnh Minh Thành, Giám đốc Công ty TNHH Funny Fruit, Bến Tre chia sẻ, nhờ tham gia chương trình OCOP, công ty đã có thể tiêu thụ 80 tấn đưa sấy giòn, đó là chưa tính đến lượng sản phẩm được xuất khẩu. Điều này cho thấy, sản phẩm OCOP giúp nông dân tiêu thụ được một lượng dừa nguyên liệu lớn, vừa khẳng định chất lượng sản phẩm. Đồng thời, giải quyết được việc làm cho người dân khu vực nông thôn, thuận lợi xây dựng nông thôn mới và tiến tới hoàn thiện nông thôn mới nâng cao.