Khởi nghiệp xanh ở Bắc Ninh

Với mong muốn đưa nguồn năng lượng sạch vào phục vụ đời sống hàng ngày, góp phần bảo vệ môi trường, anh Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết kế xây dựng thương mại Trường Phát, xã Nguyệt Đức, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã mạnh dạn tìm hướng đi mới trên con đường khởi nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Điện lực Miền Bắc, năm 2006, anh Nguyễn Văn Trường luôn trăn trở việc làm thế nào để ứng dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Trong thời gian công tác tại một công ty điện lực tại Hà Nội, anh Trường đã nghiên cứu, tìm hiểu về thị trường và nắm được xu hướng về sử dụng nguồn năng lượng sạch, thân thiện môi trường- điện năng lượng mặt trời. Sau đó, với đam mê kinh doanh, anh về quê tại thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và bắt đầu khởi nghiệp.

Với số vốn bản thân tích lũy qua nhiều năm khoảng 300 triệu đồng và vay thêm một số bạn bè, năm 2018, anh Trường thành lập Công ty Cổ phần Thiết kế xây dựng thương mại Trường Phát, xây dựng xưởng làm những tấm kẹp pin năng lượng mặt trời và kinh doanh các sản phẩm lĩnh vực này.

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Văn Trường với mô hình khởi nghiệp của mình.

Anh Trường cho biết, từng trải qua nhiều vị trí công tác, nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, nhưng anh luôn hành động, theo đuổi ước mơ ngành điện của mình. Khi bắt tay vào lĩnh vực điện năng lượng mặt trời, anh đi tập huấn, tìm hiểu thị trường khắp cả nước. Nhờ có bước chuẩn bị tốt, con đường khởi nghiệp của anh khá vững vàng. Đến nay, sản phẩm kẹp lắp ráp pin năng lượng mặt trời của Trường được bán tại các thị trường trong cả nước.

Song song với sản xuất tấm kẹp phục vụ lắp ráp các tấm pin năng lượng mặt trời, anh đầu tư mua bán tấm pin năng lượng mặt trời và nhận làm tổng đại lý lắp đặt, bảo hành, sửa chữa cho sản phẩm này.

Theo anh Trường, ưu điểm của điện mặt trời là sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, có thể thay thế một phần năng lượng từ các nguồn nhiên liệu không tái tạo được. Bên cạnh đó, ứng dụng của năng lượng mặt trời rất rộng, có thể cung cấp điện tại các khu vực không có kết nối với lưới điện quốc gia. Khi lắp đặt điện năng lượng mặt trời, bên cạnh giảm chi phí phát sinh từ điện lưới quốc gia mà khi sử dụng điện không hết người dân có thể bán điện cho các công ty điện lực, hoặc những người có nhu cầu, từ đó mang lại giá trị kinh tế cho người sử dụng.

Để mở rộng thị trường, anh xây dựng đội ngũ cộng tác viên khắp các tỉnh trong cả nước. Đến nay, anh Trường xây dựng hàng chục đại lý tại các tỉnh, thành, trong cả nước, tạo công việc cho hơn 300 lao động bao gồm công nhân sản xuất tại xưởng của công ty và nhân viên lắp đặt với thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, trừ chi phí, anh Trường thu lãi hơn 1 tỷ đồng.

Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Trường nói: “Khi khởi nghiệp, bên cạnh lựa chọn được hướng đi đúng, thì vốn khởi nghiệp là khó khăn nhất đối với thanh niên. Kinh nghiệm còn hạn chế, vốn khởi nghiệp ít, vì vậy, mỗi thanh niên cần quyết tâm và thực kiện ước mơ của mình”.

Anh Nguyễn Văn Trường cho biết, anh từng vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh tại nhiều ngân hàng, tuy nhiên lãi suất rất cao. Năm 2020, anh được tiếp cận và vay vốn khởi nghiệp theo chương trình của Đoàn Thanh niên, với số tiền 400 triệu đồng. Đây được coi như “bà đỡ” trong quá trình khởi nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, có chỗ đứng trên xã hội. Nhờ vậy, anh mở rộng sản xuất, tạo sức bật sau khi trạng thái kinh tế bình thường trở lại. Thời gian tới, Trường sẽ mở rộng thêm một số đại lý, cơ sở bảo hành, bảo trì toàn quốc, xây dựng đội ngũ lắp đặt, bảo hành bảo trì.

Mô hình khởi nghiệp của anh Nguyễn Văn Trường đã tạo ra hướng đi mới cho con đường khởi nghiệp của thanh niên tại địa phương; qua đó, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho gia đình anh Trường mà góp phần tạo công ăn, việc làm cho hàng chục thanh niên trên địa bàn. Bên cạnh đó, với việc đưa điện năng lượng mặt trời vào sản xuất, kinh doanh đã giúp giải bài toán áp lực điện trong kinh doanh sản xuất, sinh hoạt của người dân, nhất là trong thời điểm nguồn năng lượng đang ngày một khan hiếm. 

Chú thích ảnh
Công nhân Công ty Trường Phát lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cho khách hàng.

Đến nay, toàn thị xã Thuận Thành xã có hàng trăm mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, có thu nhập từ 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho gần 500 lao động trẻ trong và ngoài thị xã. Thời gian qua, các tổ chức Đoàn trong thị xã Thuận Thành có nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Thị Đoàn Thuận Thành đã triển khai thực hiện có hiệu quả đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm. Đồng thời, các tổ chức Đoàn tiếp tục thành lập và phát huy vai trò của các tổ vay vốn, tổ tiết kiệm giúp đỡ thanh niên lập nghiệp. 

Tỉnh Đoàn Bắc Ninh đánh giá, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, nhất là mô hình khởi nghiệp thân thiện với môi trường của tuổi trẻ thị xã Thuận Thành không chỉ nâng cao rõ rệt đời sống kinh tế gia đình đoàn viên mà còn tạo việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng quê hương..

PV
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đã đến lúc chuyển đổi điện than sang một nguồn năng lượng sạch hơn
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đã đến lúc chuyển đổi điện than sang một nguồn năng lượng sạch hơn

Theo đặc phái viên TTXVN, trưa 2/12 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại tọa đàm về “Đẩy nhanh chuyển đổi điện than” do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN