Kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Ngày 28/12, tại thành phố Đồng Hới, Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình.

Chú thích ảnh
Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Bình, phát biểu khai mạc Hội nghị. 

Hội nghị có sự tham dự của hơn 50 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đạt OCOP, sản phẩm đặc trưng và đại diện các Trung tâm thương mại, siêu thị, nhà phân phối, các điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; các doanh nghiệp, nhà phân phối đến từ Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình Phan Hoài Nam cho biết, đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện lễ hội chào đón năm mới 2024 của tỉnh Quảng Bình. Hội nghị là cơ hội để doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh về sản phẩm nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP và đặc sản của tỉnh Quảng Bình, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây cũng là dịp để giao lưu, xúc tiến thương mại giữa các nhà phân phối, xuất khẩu, trung tâm thương mại, siêu thị, sàn thương mại điện tử và khách hàng tiềm năng đến từ các tỉnh, thành phố trong nước. Qua đó, nhằm đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản và định hướng xuất khẩu.

Theo ông Phan Hoài Nam, để góp phần đưa sản phẩm hàng hóa của Quảng Bình nâng tầm và vươn xa, tỉnh đã triển khai 2 chương trình bình chọn sản phẩm thu hút được nhiều chủ thể sản xuất tham gia, đó là Chương trình Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiểu biểu và Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”. Trên cơ sở thế mạnh của vùng, các địa phương trong tỉnh đã tìm ra những sản phẩm đặc trưng để định hướng, xây dựng thành sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiểu biểu. Các chương trình này đã giúp các chủ cơ sở tiếp cận với hình thức sản xuất theo chuỗi liên kết để tạo ra những sản phẩm hoàn thiện, uy tín về chất lượng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty Cổ phần Công nghệ Quốc tế Sâm tiến Vua bên lề Hội nghị.

Đến nay, toàn tỉnh có 145 sản phẩm OCOP được công nhận sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó có 19 sản phẩm đạt 4 sao, 126 sản phẩm đạt 3 sao và 150 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 20 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên, 9 sản phẩm đạt cấp quốc gia.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã tích cực thảo luận và tìm ra các giải pháp cụ thể, hiệu quả để hỗ trợ mở rộng kênh phân phối, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm mà trước mắt là thâm nhập vào các kênh phân phối truyền thống, hiện đại nhằm tiếp tục hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tiến tới thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tich Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ Quốc tế Sâm Tiến Vua cho biết, sản phẩm Sâm Tiến Vua có chất lượng ngang với sâm Hàn Quốc, đây là sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên hướng đến việc bảo vệ, tăng cường sức khỏe cho người dùng.

Để sản phẩm Sâm Tiến Vua vững bước trên thị trường trong nước và nước ngoài, công ty xác định việc đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bên cạnh việc tiêu thụ theo cách truyền thống. Hiện Công ty cổ phần Công nghệ Quốc tế Sâm Tiến Vua đã triển khai nhiều hoạt động trong việc xây dựng hình ảnh, ứng dụng chuyển đổi số để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử như Shopee, Lazada, Facebook… để sản phẩm có thể đến với đông đảo người tiêu dùng.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị.

Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho rằng, để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đảm bảo tiêu thụ trên thị trường, các chủ cơ sở  sản xuất cần phát triển các sản phẩm đặc trưng, tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng trên thị trường. Đặc biệt, tăng cường ứng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng cần chú trọng cải tiến mẫu mã, bao bì để thu hút khách hàng; đăng ký sở hữu trí tuệ, thương hiệu cộng đồng, đảm bảo việc truy suất nguồn gốc, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng chuyển đổi số, đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Tá Chuyên (TTXVN)
Đẩy mạnh các kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP
Đẩy mạnh các kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP

Cùng với việc phát triển số lượng, nâng cấp và cải thiện chất lượng sản phẩm OCOP, công tác xúc tiến thương mại đa kênh, đặc biệt là trên môi trường thương mại điện tử sẽ góp phần đưa được giá trị sản phẩm OCOP lan tỏa…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN