Đẩy mạnh các kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP

Cùng với việc phát triển số lượng, nâng cấp và cải thiện chất lượng sản phẩm OCOP, công tác xúc tiến thương mại đa kênh, đặc biệt là trên môi trường thương mại điện tử sẽ góp phần đưa được giá trị sản phẩm OCOP lan tỏa…

Chú thích ảnh
Các khách mời tham dự toạ đàm.

Chia sẻ tại tọa đàm “Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 26/12 tại Hà Nội, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống.

Việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP đã có bước tiến đáng kể. Đến giữa tháng 12/2023, cả nước có 11.054 sản phẩm OCOP, với chất lượng, mẫu mã ngày càng được cải tiến.

Sản phẩm OCOP được tiêu thụ rộng khắp cả nước, vào các kênh phân phối hiện đại, sàn thương mại điện tử và nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thế giới. Các sản phẩm trở thành "đại sứ" giới thiệu Việt Nam và đặc sản của Việt Nam với thế giới.

Ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh phân phối, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, sàn thương mại điện tử Postmart đã đưa khoảng 8.000 sản phẩm OCOP lên sàn. Trước đây, rất nhiều sản phẩm OCOP là hàng tươi sống khó đến tay người tiêu dùng thì nay Postmart đã kết hợp giữa các phương thức bán hàng, khai thác và vận chuyển đến người dùng.

Tuy nhiên, với lợi thế về giá trị, chất lượng, nét đặc sắc, yếu tố văn hóa bản địa… việc tiêu thụ sản phẩm OCOP vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là khi ra thị trường thế giới. Theo ông Nguyễn Minh Tiến, vấn đề mấu chốt là cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm; đổi mới phương thức quảng bá, xúc tiến thương mại.

“Ví dụ, sản phẩm trà shan tuyết cổ thụ ở Hà Giang hay Yên Bái, cách chế biến trước đây chỉ phù hợp với thị trường trong nước. Khi đưa ra thị trường thế giới phải chế biến thành sản phẩm cao cấp, như hồng trà, bạch trà, hoàng trà, có giá 1,5 triệu, 2 triệu hoặc có thể là 10 triệu đồng để định vị thương hiệu, gia tăng giá trị và phù hợp với xu hướng, nhu cầu”, ông Tiến nêu.

Cùng với đó, người bán nên kết hợp giữa trải nghiệm trực tiếp và livestream giới thiệu sản phẩm. Gắn sản phẩm với câu chuyện văn hóa, truyền thống và nguồn nguyên liệu tạo ra sản phẩm để người dùng trải nghiệm, đưa sản phẩm OCOP đi xa hơn.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đào Đức Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng cho hay, từ một sản phẩm của một vùng đất nghèo, bằng chính chất lượng và giá trị, sản phẩm chè Suối Giàng đã vinh dự được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao và đang trên lộ trình phấn đấu lên 5 sao, có chứng nhận ECOCERT, tiêu chuẩn ORGANIC của châu  u, có chỉ dẫn địa lý, có mã số vùng trồng, có ISO trong sản xuất… tức là đã có “giấy thông hành” đi ra được 26 nước trên thế giới.

Trà shan tuyết Suối Giàng hiện nay ngoài kênh phân phối truyền thống đã tham gia các kênh như trải nghiệm khách hàng, thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, đã được đưa vào khách sạn 5 sao, hệ thống sân bay… để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện Quyết định 490/QĐ-TTg, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại bằng phương thức truyền thống qua hệ thống các điểm phân phối, hệ thống chuỗi siêu thị và cả phương thức thương mại điện tử.

Đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành đều có các điểm phân phối sản phẩm OCOP, ngay tại TP. Hà Nội cũng có tới 89 điểm; tại Quảng Ninh cũng có tới 31 điểm. Những con số về mặt số lượng, chất lượng sản phẩm cũng như hệ thống phân phối đã cho thấy được sự tiếp cận của sản phẩm OCOP gần như phủ khắp trên địa bàn cả nước và đến với người tiêu dùng ở các cấp độ và các phân khúc thị trường khác nhau.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng còn những khó khăn nhất định như sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, nhất là khu vực đồng bào dân tộc, miền núi sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế nên việc triển khai chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Qua đó, rất cần tiếp tục nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2024.

Thu Trang/Báo Tin tức
Hà Nội: Giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên
Hà Nội: Giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên

Tối 21/12, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Nội, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN