Đối với ngành dừa tại Bến Tre, dừa hữu cơ được xem là "chìa khóa" để doanh nghiệp cho ra đời các sản phẩm chế biến sâu và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Giá trị kinh tế từ dừa hữu cơ mang lại cao hơn nhiều lần so với canh tác theo cách truyền thống. Việc chuyển đổi đầu tư sản xuất dừa hữu cơ chính là hướng đi tất yếu cho người trồng, giúp nông dân phát triển bền vững với cây dừa trong tương lai.
Ký kết với công ty tiêu thụ vườn dừa khô nguyên liệu hơn 3 ha và chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ gần 1 năm qua, ông Hồ Văn Sang, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm phấn khởi hơn so với trước đây khi bán dừa không phải phụ thuộc vào thương lái. Ông Sang cho hay, từ khi bán dừa cho công ty, hiệu quả tăng cao hơn là vườn dừa sử dụng phân bón hữu cơ có giá thành nó rẻ hơn sử dụng phân bón hóa học.
Giá thu mua dừa từ công ty cao hơn 10.000 đồng/chục (12 trái) so với ngoài thị trường. Cho nên, mỗi đợt thu hoạch ông Sang thu về thêm được hơn 3 triệu đồng từ tiền chênh lệch giá bán. Ngoài ra, khi áp dụng canh tác theo hướng hữu cơ, dừa cho trái nhiều hơn, chống chọi được ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn làm cho trái dừa giảm năng suất.
Ông Nguyễn Văn Diện, chủ vườn dừa hữu cơ 4 ha tại xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú chia sẻ, từ khi tham gia sản xuất dừa theo hướng hữu cơ, vườn dừa luôn sạch sẽ, không có tàu (lá) dừa khô trên cây, các vườn dừa luôn thoáng đãng, không còn cỏ dại hay các loại cây pha tạp khác. Hơn nữa, với cách sản xuất này, nước và đất vườn dừa luôn an toàn bởi không sử dụng các loại phân bón hay thuốc hoá học trong phòng trừ sâu bệnh trên cây dừa.
Canh tác dừa hữu cơ mang lại hiệu quả rất cao. Với 4 ha, ông Diện trồng gần 1.000 cây dừa, mỗi tháng thu hoạch từ 6.000-7.000 trái. Từ tiền chênh lệch giá, ông Diện thu về 5-6 triệu đồng. Nếu giá trung bình 80.000 đồng/chục. Mỗi năm ông Diện thu nhập 150-200 triệu đồng. Như vậy, thu nhập từ cây dừa hữu cơ rất lớn, đảm bảo được đời sống của người dân trồng.
Ông Trần Quốc Ửng, Chủ tịch Hợp tác xã nông nghiệp Thới Thạnh cho biết, hiện hợp tác xã Thới Thạnh có gần 120 ha dừa hữu cơ. Mỗi tháng hợp tác xã Thới Thạnh cung ứng cho Công ty chế biến dừa Lương Quới 100.000 trái dừa để sản xuất thành các sản phẩm dầu dừa, nước dừa, sản phẩm chế biến sâu từ dừa… để xuất khẩu sang thị trường Mỹ và nhiều thị trường khác trên thế giới.
Khi các hộ trồng tham gia sản xuất dừa hữu cơ, doanh nghiệp sẽ thu mua cao hơn so với dừa sản xuất thông thường từ 15.000-20.000 đồng/chục. Ông Ửng cho hay, khi giá dừa xuống thấp, với giá thu mua cao hơn giá thị trường người dân có lợi nhiều hơn, an tâm gắn bó với vườn dừa hữu cơ.
Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre. Nhu cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng hiện nay luôn đòi hỏi truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có vùng nguyên liệu chế biến cung cấp cho thị trường xuất khẩu trên thế giới, cho nên sản xuất dừa theo hướng hữu cơ là bước đi đúng đắn để làm tăng giá trị sản sản xuất cho người nông dân.
Hiện các doanh nghiệp ngoài nước đặt mua các sản phẩm từ dừa luôn đòi hỏi vườn dừa canh tác theo hướng hữu cơ. Do dó, thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân và mở rộng vùng sản xuất dừa hữu cơ sẽ là hướng đi tất yếu trong thời gian tới nếu muốn cây dừa phát triển bền vững - ông Đức nhận xét.
Tính đến nay, tỉnh Bến Tre đã xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất 14.000 ha dừa hữu cơ có kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, tạo nên một chuỗi sản xuất tiêu thụ bền vững. Xây dựng chuỗi sản xuất dừa hữu cơ chính là cách tỉnh Bến Tre tạo nên một vùng nguyên liệu để có thể thu hút các doanh nghiệp chế biến đến với tỉnh; tạo nên một chuỗi liên kết nông dân (vùng nguyên liệu) với doanh nghiệp, nhà máy chế biến, tiêu thụ, đẩy mạnh ngành chế biến cho sản phẩm dừa phát triển.
Mặt khác, ngành chức năng đang từng bước hỗ trợ người dân chuyển đổi, hướng dẫn áp dụng sản xuất dừa theo hướng hữu cơ để người dân an tâm chuyển đổi và sản xuất bền vững.