Ông Nguyễn Thành Nam, ở xã Tân An, huyện Càng Long có 1 ha vườn dừa cho thu hoạch bình quân khoảng 1.000 quả/tháng. Theo ông, tuy giá dừa khô có tăng nhưng với mức giá 35.000 – 40.000 đồng/chục thu nhập của người trồng chỉ còn khoảng 20 triệu đồng/tháng, mức thu nhập thấp so với rất nhiều các loại cây trồng khác
Ông Nam cho biết thêm, do giá dừa liên tục giảm trong hơn 3 tháng qua, hầu hết người trồng dừa không đầu tư tiền và công lao động để bồi gốc, bón phân chăm sóc cây dừa. Gia đình ông và nhiều hộ trồng dừa ở địa phương chuyển sang bán dừa tươi phục vụ nhu cầu giải khát cho người tiêu dùng với mức giá 60.000 – 70.000 đồng/chục. Đây chỉ là giải pháp tạm thời để bù đắp nguồn thu nhập cho gia đình. Về lâu dài cây dừa không thể thu hoạch xuyên suốt quả tươi sẽ bị ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và chất lượng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lê Văn Đông cho biết, trước tình hình giá dừa khô giảm mạnh, tỉnh đang khẩn trương triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người trồng dừa.
Theo Quyết định số 977/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022-2025, tỉnh sẽ hỗ trợ nông dân phát triển chuỗi dừa theo tiêu chí VietGAP, hữu cơ, có vùng nguyên liệu tập trung. Đây là điều kiện cần và thuận lợi để tỉnh mời gọi các doanh nghiệp ngành dừa liên kết cùng các hộ trồng dừa để phát triển sản xuất, tạo những sản phẩm có giá trị và ổn định đầu ra cho quả dừa, gia tăng thu nhập cho người trồng dừa.
Hiện tại, UBND tỉnh Trà Vinh đang chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan chuyên môn, các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo liên kết phát triển vùng nguyên liệu dừa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ gắn với nhà máy chế biến và thị trường mục tiêu.
Ngành nông nghiệp tỉnh cùng các địa phương tham mưu, đề xuất phương án bố trí kinh phí hàng năm và lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án có liên quan để thực hiện hiệu quả Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa và phát triển vùng nguyên liệu dừa với chất lượng cao.
Tỉnh Trà Vinh hiện có tổng diện tích trồng dừa hơn 23.000 ha tập trung chủ yếu tại các huyện Châu Thành, Tiểu Cần, Cầu Kè và Càng Long, với sản lượng cho quả gần 578.000 tấn/năm. Cây dừa là một trong số cây trồng được ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ, khuyến khích nông dân chọn để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, năng suất dừa đạt khoảng 16 tấn/ha và có ít nhất 8.000 ha dừa trồng theo hướng hữu cơ; trong đó, có 6.000 ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế, chiếm 32% diện tích dừa của tỉnh và được các doanh nghiệp cam kết thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường từ 10-15%; có ít nhất 10 doanh nghiệp liên kết với các hộ sản xuất dừa để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ chuỗi sản phẩm dừa có giá trị gia tăng cao ra thị trường.