Hưng Yên: Giữ nguyên các chính sách an sinh xã hội hiện có sau sáp nhập

Ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên cho biết, trước mắt, tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan, các xã giữ nguyên mức hỗ trợ về chính sách an sinh xã hội như trước đây, không thay đổi.

Chú thích ảnh
Một buổi giao dịch cho vay tại điểm giao dịch phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN

Sau khi tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình hợp nhất, nhiều cử tri, người dân băn khoăn về việc các chính sách an sinh xã hội như: Hỗ trợ người nghèo; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế cho người từ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi; hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình nông nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh; chính sách nâng mức hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng cho người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo; trợ cấp xã hội hằng tháng là người cao tuổi cô đơn thuộc hộ cận nghèo…, liệu có còn giữ được mức chi trả, hỗ trợ như trước.

Ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên cho biết, trước mắt, tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan, các xã giữ nguyên mức hỗ trợ về chính sách an sinh xã hội như trước đây, không thay đổi. Đối với những chính sách an sinh xã hội tỉnh trước đây chưa có, HĐND sẽ đề nghị UBND tỉnh xây dựng ngân sách, dự trù ngân sách để tính toán làm sao tương đối công bằng.

“Quan điểm của tỉnh là xây dựng chính sách xã hội càng cao càng tốt, tuy nhiên cũng phụ thuộc vào ngân sách của địa phương; chủ yếu dựa vào nguồn tiết kiệm chi và cần có lộ trình thực hiện, vì đây là vấn đề rất lớn, xã hội quan tâm”, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên nói.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên chỉ đạo, khi đã hợp nhất, để tạo sự hài hòa, thời gian tới tỉnh Hưng Yên sẽ từng bước xóa bỏ chênh lệch chính sách, chế độ của người dân 2 địa phương, tạo sự công bằng. Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên còn yêu cầu các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần nghiên cứu để đề xuất cơ chế chính sách với tỉnh về chăm lo, cải thiện an sinh phúc lợi cho người dân; đồng thời đề nghị, các cán bộ, công chức, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phải hành động theo phương châm: Lấy hạnh phúc của người dân làm nền tảng cho các ý tưởng và các chính sách.

Trong những năm qua, công tác an sinh xã hội luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, ngành, địa phương ở tỉnh Hưng Yên quan tâm thực hiện; huy động các nguồn lực xã hội, xây dựng các chính sách đặc thù hỗ trợ người nghèo, đối tượng yếu thế giúp họ vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đơn cử, trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Hưng Yên (cũ) bằng các nguồn vốn của tỉnh trên 89 tỷ đồng; nguồn kinh phí cấp huyện 15,7 tỷ đồng; kinh phí cấp xã 2,7 tỷ đồng và huy động từ các nguồn khác là 40 tỷ đồng, tỉnh đã cơ bản hoàn thành chương trình trên địa bàn. Để thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Hưng Yên đã quy định chính sách hỗ trợ với mức hỗ trợ xây mới là 100 triệu đồng/hộ và sửa chữa là 50 triệu đồng/hộ.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Nhân sự lãnh đạo chủ chốt của 34 tỉnh, thành sau sáp nhập
Nhân sự lãnh đạo chủ chốt của 34 tỉnh, thành sau sáp nhập

Sáng 30/6/2025, Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố, xã, phường, đặc khu được thực hiện đồng bộ trên toàn quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN