Các đồng chí: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Hải Dương, các nhà khoa học và đại diện gia đình, dòng họ đồng chí Lê Thanh Nghị.
Ban tổ chức đã nhận được 45 tham luận của các đại biểu gửi về và có 10 ý kiến phát biểu tại hội trường đã làm sâu sắc thêm những đóng góp to lớn với sự nghiệp cách mạng cùng những phẩm chất cao đẹp của đồng chí Lê Thanh Nghị. Nhiều ý kiến đã nhấn mạnh chính truyền thống tốt đẹp của quê hương và gia đình đã góp phần hình thành nên phẩm chất của nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Lê Thanh Nghị tên khai sinh là Nguyễn Khắc Xứng, sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở làng Thượng Cốc, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1929, khi mới 18 tuổi. Tháng 2/1930, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trong bài phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo đã khẳng định: Đồng chí Lê Thanh Nghị là người con ưu tú của quê hương Hải Dương, là nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu của Đảng có nhiều đóng góp to lớn đối với phong trào cách mạng Bắc Kỳ, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Thanh Nghị đã phấn đấu trọn đời vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Hai lần bị thực dân Pháp bắt và dùng đủ mọi thủ đoạn từ dụ dỗ đến các cực hình tra tấn rất tàn bạo, song đồng chí Lê Thanh Nghị vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Cùng với các chiến sĩ cộng sản ưu tú khác, đồng chí đã góp phần biến lao tù thành trường học cách mạng, vừa học tập lý luận chính trị, vừa tôi luyện ý chí cách mạng. Một phẩm chất cao đẹp khác của đồng chí Lê Thanh Nghị là sống giản dị, trung thực, liêm khiết, gắn bó với đồng chí, đồng bào. Bằng cả cuộc đời cống hiến cho Tổ quốc, cho Đảng, cho nhân dân, đồng chí Lê Thanh Nghị đã nêu tấm gương sáng về đạo đức cao đẹp của người cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là: Trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; yêu thương con người; có tinh thần quốc tế trong sáng.
Đồng chí Lê Thanh Nghị đã từng đảm nhận nhiều trọng trách như: Bí thư Khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính khu III, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước... Ở cương vị nào, dù trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nào, đồng chí luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Được phân công làm Phó Thủ tướng, đồng chí nổi tiếng là người có quan hệ quốc tế uy tín, tranh thủ được sự ủng hộ to lớn về vũ khí, lương thực, quân trang, quân dụng, đồng thời là người chịu trách nhiệm chính trong việc khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc, chi viện cho chiến trường, góp phần rất quan trọng để đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.
Với những hoạt động và cống hiến to lớn đối với Đảng, cách mạng và dân tộc, đồng chí Lê Thanh Nghị đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời được vinh danh là Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Cách mạng Việt Nam.
Đối với quê hương Hải Dương, đồng chí Lê Thanh Nghị là người có công rất lớn trong việc gây dựng lại cơ sở và phong trào cách mạng ở Hải Dương sau khi những cơ sở cách mạng ban đầu bị kẻ thù khủng bố. Đồng chí cũng là người đã chuẩn bị những tiền đề cho việc thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương. Đồng chí là người lãnh đạo cao nhất trong Liên khu 3, từng bước lãnh đạo Đảng bộ tỉnh Hải Dương giành nhiều thắng lợi, góp phần giải phóng quê hương. Trên bước đường hoạt động cách mạng, đồng chí luôn dành nhiều sự quan tâm cho Hải Dương.
Phát huy truyền thống của quê hương, noi gương các nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, phát huy mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Lớp lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Hải Dương đã không ngừng nỗ lực, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết: Trong công cuộc xây dựng quê hương sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, Hải Dương từ một tỉnh có nền kinh tế chủ yếu là thuần nông, cơ sở hạ tầng yếu kém, đến nay đã trở thành một tỉnh phát triển năng động, kinh tế tăng trưởng bình quân đạt 8,1%/năm trong nhiệm kỳ qua. Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2020 gấp 1,6 lần năm 2015, tỷ trọng lĩnh vực nông nghiệp chiếm dưới 10%. Từ năm 2017, Hải Dương là một trong 16 tỉnh, thành phố tự cân đối thu, chi và có một phần điều tiết về ngân sách Trung ương.
Đặc biệt, trong làn sóng dịch bệnh COVID-19 vừa qua, là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng Hải Dương đã kiên cường vượt qua, đưa sản xuất và đời sống sớm trở lại trạng thái bình thường mới, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Những kết quả đó là tiền đề quan trọng để Đảng bộ tỉnh Hải Dương tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, phấn đấu đến năm 2025 Hải Dương là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xứng đáng là quê hương cách mạng, quê hương của đồng chí Lê Thanh Nghị.
Hội thảo là dịp để tri ân những công lao, cống hiến của đồng chí Lê Thanh Nghị đối với sự nghiệp cách mạng; đồng thời, cung cấp nhiều dữ liệu quý, tài liệu quan trọng để giáo dục cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về sự cống hiến của các bậc tiền nhân đối với đất nước, quê hương. Từ đó, khơi dậy và nêu cao lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, phát huy truyền thống, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ hội nhập và phát triển.