Tham dự Hội thảo có ông Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, cùng lãnh đạo của tỉnh Hà Tĩnh, chuyên gia, nhà khoa học, đại diện dòng họ Hà.
Tại hội thảo, các tham luận khẳng định, truyền thống quê hương, gia đình đã ảnh hưởng tích cực đến lý tưởng yêu nước, nhân cách và chí hướng cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập.
Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Nga, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Từ nhỏ, cậu bé Hà Huy Tập đã sớm tiếp nhận truyền thống tốt đẹp của quê hương, gia đình. Lớn lên khi đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, chàng trai trẻ Hà Huy Tập thấu hiểu nỗi thống khổ, cơ cực của người dân mất nước. Sự đồng cảm đó đã dấy lên trong anh lòng căm phẫn chế độ thực dân, phong kiến, sớm hình thành nên nhân cách và nghị lực sống có lý tưởng, vì nước, vì dân. Anh sớm hòa nhịp vào phong trào yêu nước, phong trào cách mạng, theo tiếng gọi của Đảng, của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Truyền thống của quê hương, gia đình đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành nhân cách, bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập trong suốt 16 năm hoạt động cách mạng liên tục, cống hiến cho Đảng, cho dân tộc.
Hội thảo với 30 tham luận đã đánh giá toàn diện, sâu sắc về tư tưởng, lý luận của đồng chí Hà Huy Tập với Đảng ta. Các tham luận và ý kiến phát biểu đều đánh giá cao tinh thần bất khuất; tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, mẫu mực của đồng chí Hà Huy Tập.
Đồng chí Hà Huy Tập là tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí đã vượt qua khó khăn, thử thách, rèn luyện, đấu tranh trong lao tù đế quốc, nhiều lần chiến đấu chống lại kẻ thù tàn bạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, nhân dân giao phó.
Ông Lý Việt Quang nhấn mạnh: Đồng chí Hà Huy Tập đã xây dựng nền tảng tư tưởng, lý luận cho một đảng cách mạng chân chính. Đồng chí nắm vững nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê nin, thâm nhập vào thực tiễn, vận dụng lý luận đã học để xem xét phong trào cách mạng Việt Nam. Ngay từ đầu, đồng chí đã có quan điểm rõ ràng, dứt khoát theo hướng tư tưởng cách mạng tiến bộ của thời đại.
Tham luận “Hà Huy Tập, nhà lý luận xuất sắc của Đảng” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã khẳng định, những lý luận sâu sắc của Tổng Bí thư Hà Huy tập trong tiến trình hình thành và phát triển của Đảng ta đến nay vẫn luôn có ý nghĩa thực tiễn.
Trong phần tham luận của mình, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hà Văn Hùng nêu rõ, việc vận dụng tư tưởng, lý luận của Tổng Bí thư Hà Huy Tập để chăm lo giáo dục cán bộ, đảng viên được xem là giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, tạo sự chuyển biến nhận thức trong các đảng viên, nhân dân.
Đồng chí Hà Huy Tập hy sinh khi mới 35 tuổi nhưng những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của đồng chí là rất quan trọng và to lớn. Cuộc đời cách mạng cao đẹp của đồng chí Hà Huy Tập là tấm gương sáng, niềm vinh dự, tự hào đối với nhân dân cả nước nói chung, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh nói riêng.