Từ ngày 21 – 30/9/2020, tỉnh Tây Ninh tiến hành tiếp nhận, phối hợp với đơn vị triển khai (MobiFone Tây Ninh) và các đơn vị thụ hưởng thực hiện lắp đặt, vận hành và sử dụng hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông tại 19 xã (có 13 xã biên giới) thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với 200 cụm loa truyền thanh, từ nguồn hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị tài trợ.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, sự quan tâm đặc biệt của Bộ Thông tin và Truyền thông đã góp phần hỗ trợ rất lớn cho Tây Ninh trong công tác thông tin và truyền thông, giúp tỉnh đổi mới nội dung thông tin tuyên truyền, đáp ứng sự mong đợi của người dân.
Phát biểu tại lễ giao nhận, Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, các bộ loa truyền thanh thông minh thế hệ mới được vận hành trên công nghệ AI sẽ đem lại hiệu quả lớn cho 19 xã ở vùng sâu, vùng xa, biên giới ở Tây Ninh, nhằm góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, giúp nâng cao chất lượng truyền thông tin cấp xã.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ thông tin và truyền thông, việc áp dụng và xây dựng, đưa vào sử dụng giải pháp truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông trên nền tảng công nghệ 4.0 là hoàn toàn phù hợp với xu thế thời đại, góp phần xây dựng đô thị thông minh tại Tây Ninh.
Hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông sử dụng máy vi tính (cài đặt phần mềm) để điều khiển hệ thống (bộ thiết bị thu phát truyền thanh) và biên tập nội dung, truyền dẫn thông qua hạ tầng mạng 3G/4G và sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để thực hiện phát thanh. Qua đó, giảm công sức lao động, tự động hóa nhiều khâu trong quá trình vận hành, không cần triển khai hạ tầng phát FM (không phải có máy phát sóng) và cột ăng ten; giảm thiểu tình trạng mất an toàn do cột ăng ten xuống cấp theo thời gian. Ngoài ra, không cần phải xin giấy cấp phép sử dụng tần số và gia hạn tần số, do đó tiết kiệm được chi phí mua sắm, bảo quản, bảo trì, sửa chữa… nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng âm thanh tốt nhất.
Việc giám sát và vận hành thiết bị cụm thu phát truyền thanh được thực hiện tập trung, điều khiển từ xa, cho phép tiết kiệm nhân lực vận hành và hiệu chỉnh âm lượng phù hợp với địa bàn dân cư khi có phản ánh từ người dân về âm lượng của loa truyền thanh, đồng thời có thể thực hiện phát các bản tin riêng biệt đến từng cụm thu truyền thanh. Tính năng này cho phép các Đài Truyền thanh cơ sở phát các bản tin, thông báo riêng biệt đến từng khu dân cư, tổ dân phố và thiết lập phần mềm quản trị để tin học hóa nghiệp vụ truyền thanh và quản lý hệ thống cụm thu truyền thanh ở cơ sở.