Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai và Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài đã trao bảng tượng trưng 100.000 suất quà trị giá 15 tỷ đồng cho công nhân lao động khu vực phong tỏa, cách ly và 10 tỷ đồng nhằm cải thiện dinh dưỡng bữa ăn cho lực lượng y tế làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại Đồng Nai. Bà Trương Thị Mai mong muốn, tới đây, chính quyền và người dân Đồng Nai sẽ đồng lòng, chung tay để vượt qua dịch COVID-19, sớm ổn định sản xuất.
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết, hiện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định hỗ trợ 1 triệu đồng đối với mỗi nhân viên y tế của các tỉnh, thành phía Nam và lực lượng y tế trên cả nước vào các địa phương phía Nam tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định tặng mỗi tỉnh phía Nam 100.000 suất quà, mỗi suất trị giá 150.000 đồng để giúp công nhân nhân lao động vượt qua khó khăn.
Đến nay, tổ chức công đoàn trong cả nước đã trích nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hoá với số tiền gần 1.100 tỷ đồng để hỗ trợ cho người lao động ở các địa phương có dịch COVID-19.
Theo bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, các cấp công đoàn trên địa bàn Đồng Nai đã trích gần 55 tỷ đồng nguồn kinh phí công đoàn và vận động được gần 3 tỷ đồng xã hội hóa để hỗ trợ thực phẩm cho hơn 52.000 lao động bị ảnh hưởng vì COVID-19 trên địa bàn Đồng Nai. Để giúp người lao động vượt qua khó khăn, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm triển khai các quyết định về hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 và có cơ chế hỗ trợ sữa cho con công nhân dưới 5 tuổi.
*Ngày 7/8, tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nam Định, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã tiếp nhận hàng tỷ đồng từ các cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.
Tại buổi lễ, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư dịch vụ và Thương mại ATP (Hà Nội) đã ủng hộ tỉnh Nam Định 6 máy thở (nhãn hiệu Eliciae MV20) và các trang thiết bị kèm theo, tổng trị giá 60.000 USD (hơn 1,3 tỷ đồng); đại diện gia đình bà Nguyễn Thị Nương ở phường Trần Tế Xương (thành phố Nam Định) ủng hộ 3 tỷ đồng (trong đó, đóng góp vào Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh 2 tỷ đồng; vào Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 huyện Vụ Bản 500 triệu đồng và vào Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 của Công an tỉnh Nam Định 500 triệu đồng).
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài đã trao thư cảm ơn của tỉnh cho đại điện các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh vì những đóng góp vào Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định nhấn mạnh: Việc hỗ trợ các trang thiết bị, vật tư y tế... thời điểm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần tăng cường nguồn lực cho các địa phương, đơn vị, cơ sở y tế để nâng cao năng lực, trang bị thêm trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả.
Theo báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nam Định, hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19", tính đến ngày 30/7, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 10 huyện, thành phố hơn 33 tỷ đồng cùng nhiều hàng hóa, hiện vật có giá trị như: khẩu trang, nước sát khuẩn, quần áo bảo hộ chống dịch…
*Dịch bệnh đã tác động và làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội ở tỉnh Quảng Bình. Để chia sẻ khó khăn cùng với bà con nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã quyết định hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, theo quy định tại điểm 12 Mục II - Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ.
Các đối tượng được hỗ trợ là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động đang cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bị nghỉ việc, ngừng việc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày liên tục trở lên, trong thời gian từ ngày 1/5 đến hết ngày 31/12 để phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, các đối tượng được hỗ trợ gồm: người thu gom phế liệu, bốc vác ở bến tàu, bến xe; lái xe mô tô 2 bánh chở khách (xe ôm), lái xe và nhân viên phục vụ trên xe ô tô chở khách, lái xe điện 4 bánh chở khách du lịch; bán lẻ vé xổ số kiến thiết lưu động (không bao gồm đại lý); bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; lao động trong các cơ sở giữ trẻ tại nhà; lao động tự làm hoặc làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (bao gồm tiệc cưới lưu động); cơ sở lưu trú du lịch; các đơn vị khai thác các sản phẩm du lịch, khu, điểm tham quan du lịch.
Bên cạnh đó là các lao động làm công việc chăm sóc sức khỏe, lĩnh vực làm đẹp và dịch vụ như karaoke, spa, quán internet, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, phòng trà, quán cafe, phòng tập thể dục thể thao…