Theo ông Võ Chí Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, Hậu Giang có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt, điều kiện tự nhiên thuận lợi góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng về nguồn lợi thủy sản. Nguồn lợi này có giá trị khoa học, kinh tế, đa dạng sinh học và là nguồn sinh kế cho nhiều hộ dân.
Tuy nhiên, những năm gần đây, việc sử dụng các ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ, xung điện, chất độc đề khai thác thủy sản và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã làm tăng áp lực lên nguồn lợi thủy sản của tỉnh, nhiều loài cá quý hiếm, bản địa bị ảnh hưởng xấu, phá vỡ cân bằng sinh thái thủy sinh. Do đó, hoạt động thả cá là một trong những giải pháp hiệu quả để bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng và giá trị của nguồn lợi thủy sản trong đời sống.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tuyệt đối không sử dụng điện, chất độc, chất nổ, không sử dụng ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản; không thả các loại thủy sinh vật ngoại lai vào vùng nước tự nhiên; không xả thải gây ô nhiễm môi trường nước, không vứt rác xuống sông, kênh, rạch.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang mong muốn UBND thành phố Vị Thanh quan tâm, chỉ đạo ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra, không để người dân đánh bắt cá trong khu vực thả cá nhằm đảm bảo hiệu quả lâu dài của hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Năm 2023, tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 11.292 ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt 80.429 tấn. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng là 77.886 tấn, sản lượng khai thác nội địa 2.543 tấn. Trong năm, ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức thả về tự nhiên 513 kg cá giống, tương đương 51.500 con cá giống các loại gồm: cá tra, sặc rằn, rô đồng, cá chép… với số tiền 42 triệu đồng từ nguồn vận động xã hội hóa nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.