Hải Dương: Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhanh, bền vững

Hải Dương tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhanh, bền vững. Đây là chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức chiều 6/7.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Theo ông Trần Đức Thắng, đến nay, Hải Dương đã đạt và vượt 9/19 nhóm chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, trong đó có  Chỉ tiêu về cơ cấu kinh tế; cơ cấu lao động; Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Tỷ lệ đô thị hóa; Chỉ số phát triển con người; Số giường bệnh trên 1 vạn dân và số bác sĩ trên 1 vạn dân...

Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, trong thời gian tới, Hải Dương đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Tỉnh tập trung xác định các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường sản xuất theo hướng hữu cơ, sạch, an toàn; đẩy mạnh các mô hình liên kết theo chuỗi. Hải Dương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được cấp phép; tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư; tập trung phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và công nghệ thông tin. Hải Dương tập trung thu hút đầu tư, phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị quy mô lớn; phát triển hệ thống chợ, xây dựng chợ đầu mối. Tỉnh đa dạng hóa các loại hình dịch vụ; phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, tạo chuỗi giá trị sản phẩm du lịch và liên kết với các tỉnh, thành khác...

Hải Dương chủ động điều hành ngân sách linh hoạt, tiết kiệm; rà soát để đảm bảo thu đúng, thu đủ cho ngân sách nhà nước; tập trung các nguồn lực để thực hiện các công trình trọng điểm, các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra; đưa Quỹ phát triển đất vào hoạt động có hiệu quả; đẩy nhanh thủ tục đấu giá đất một số dự án để tạo nguồn thu cho ngân sách.

Tỉnh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; duy trì chỉ số PCI ở nhóm 20 tỉnh, thành đứng đầu cả nước; tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư nhất là thu hút các doanh nghiệp lớn, có uy tín, tiềm lực đầu tư vào tỉnh. Tỉnh tập trung hoàn thành và tổ chức thực hiện Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và xử lý nghiêm các vi phạm về đất đai…

Tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, chỉ thị… của Trung ương; chú trọng nắm tình hình, định hướng dư luận xã hội, đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phòng ngừa có hiệu quả nguy cơ “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án ”Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2030”; nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong đó chú trọng giáo dục, rèn luyện giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức, tính tiên phong, gương mẫu…

Qua nửa nhiệm kỳ, kinh tế Hải Dương tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023 ước tăng bình quân 8,58%/năm (mục tiêu Đại hội tăng 9% trở lên). Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2023 ước đạt 186,2 nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 95 triệu đồng, tăng gần 1,4 lần so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ từ 81,2% năm 2020, đến cuối năm 2023 ước đạt 83,1%. Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, công tác quốc phòng, an ninh được bảo đảm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ngay từ cơ sở. Công tác cải cách hành chính; triển khai dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được cải thiện và hiện tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đã đạt 23%; công tác xúc tiến đầu tư, thương mại được đẩy mạnh.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đạt được kết quả tốt. Công tác chính trị, tư tưởng luôn được quan tâm, bám sát và phục vụ tích cực các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng bộ tỉnh. Công tác tổ chức xây dựng Đảng được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả; tập trung cao triển khai các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm; công tác dân vận có nhiều đổi mới; công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được củng cố, kiện toàn...

Mạnh Tú (TTXVN)
Bắc Ninh tìm giải pháp tháo gỡ 'điểm nghẽn' phát triển kinh tế - xã hội
Bắc Ninh tìm giải pháp tháo gỡ 'điểm nghẽn' phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 6/7, Kỳ họp thứ 12 - kỳ họp thường lệ giữa năm 2023, HĐND tỉnh Bắc Ninh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã khai mạc. Kỳ họp thẳng thắn nhìn nhận thực trạng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN