Tìm ra những “điểm nghẽn”
Khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung nhấn mạnh: Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh gặp phải không ít khó khăn, thách thức do tình hình chung của thế giới tác động trực tiếp đến đặc thù của Bắc Ninh là tỉnh có cơ cấu kinh tế FDI lớn. Cùng với đó là một số khó khăn, hạn chế, đã ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh tập trung thảo luận, đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, biện pháp thực hiện 6 tháng cuối năm về kinh tế - xã hội, đầu tư, ngân sách, an ninh trật tự, thanh tra, tiếp công dân,… Từ đó, các đại biểu có cái nhìn toàn diện tình hình, đề xuất các giải pháp khả thi, hữu hiệu cả trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, sát với tình hình thực tiễn nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững.
Đánh giá những kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển tốt, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 21% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch tăng 76%; vận tải hành khách tăng 77,7%, vận tải hàng hóa tăng 31,2%. Thu hút FDI tăng gấp 2,8 lần về dự án cấp mới và gấp 4,8 lần về vốn đăng ký; thành lập mới doanh nghiệp tăng 28,3%. Tỉnh đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hợp tác với các địa phương, đơn vị, nâng cao vị thế của tỉnh.
Bắc Ninh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính; xếp thứ 7 cả nước về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; xếp thứ 3 về Chỉ số Xanh…
Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại hạn chế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng thấp nhất cả nước, giảm 12,59% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 18,4%; kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 23%, trong đó xuất khẩu giảm 21,7%. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn nhiều, doanh nghiệp giải thể tăng 9,2% và doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 21,7% so với cùng kỳ. Công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số dự án lớn, dự án trọng điểm còn chậm, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai diễn biến còn phức tạp. Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, cụm công nghiệp còn phức tạp…
Nguyên nhân tình trạng trên do tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nền kinh tế trong nước có độ mở lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, chịu tác động, ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố bên ngoài; thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém. Nguyên nhân chủ quan do kinh tế Bắc Ninh với các tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thương hiệu, nổi tiếng toàn cầu chiếm tỷ trọng lớn, sức ép về lạm phát, lãi suất còn cao, chi phí đầu vào ở mức cao, biên độ lợi nhuận thấp, số lượng đơn hàng giảm, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế.
Cùng với đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền chưa tập trung, quyết liệt, chưa xây dựng kế hoạch phân công cụ thể, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các nhiệm vụ chính trị đề ra. Tỉnh chưa có nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo trong tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp, tổ chức trong việc khai thác sử dụng các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế…
Lấy lại đà tăng trưởng, phát triển bền vững
Dự báo tình hình thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn cho biết: Tỉnh xác định có cơ hội, thuận lợi nhờ nền tảng chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định. Một số chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh được triển khai thực hiện. Nhiều dự án, công trình lớn được đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần gia tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, Bắc Ninh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng nặng nề trên nhiều lĩnh vực, nền kinh tế tiếp tục chịu “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm. Ngoài ra, tỉnh vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao; vừa phải tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách, mới phát sinh.
Dự báo kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2023, Bắc Ninh có 7/17 chỉ tiêu không đạt kế hoạch; có 5/17 chỉ tiêu đạt kế hoạch; 5/17 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Cụ thể, tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh từ -5,25-0% so với thực hiện năm 2022 (kế hoạch tăng 6,5-7%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 66,2 triệu đồng/năm (kế hoạch 69,5 triệu đồng/năm). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 65.440 triệu USD (kế hoạch 93.262 triệu USD). Thu hút mới vốn FDI vào các khu công nghiệp 1.300 triệu USD (kế hoạch 1.200 triệu USD). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 28.580 tỷ đồng (kế hoạch 31.630 tỷ đồng)…
UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tỉnh tập trung phục hồi phát triển sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tăng cường thương mại hiện đại, dịch vụ tiện ích. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án, công trình trọng điểm, quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng. Bắc Ninh đẩy nhanh tiến độ nâng cấp và phát triển đô thị theo Quy hoạch chung vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thành công tác lập, trình phê duyệt và tổ chức công bố Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh tập trung công tác việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Song song với đó, tỉnh Bắc Ninh quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng, quân sự địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.