Hải Dương khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ người nghèo

Từ nay đến năm 2030 và các giai đoạn tiếp theo, tỉnh Hải Dương tập trung nguồn lực, triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng, chính sách xã hội để phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ ngày càng có hiệu quả hơn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Một buổi giao dịch cho vay tại điểm giao dịch xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Trần Việt – TTXVN

Theo đó, Hải Dương phấn đấu 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp. Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hải Dương phấn đấu dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 10%; tỷ lệ nợ quá hạn nhỏ hơn 1% tổng dư nợ; tỷ lệ giao dịch xã đạt trên 95%....

Để đạt được các chỉ tiêu trên, theo ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Hải Dương cũng tiếp tục tập trung các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, ưu tiên từ nguồn ngân sách địa phương để bổ sung vốn ủy thác cho vay trên địa bàn theo cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh; huy động các nguồn vốn từ cộng đồng dân cư, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn để tạo lập nguồn vốn cho vay…

Chú thích ảnh
Gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Nghĩa ở thôn Lâm, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương vay vốn chương trình hộ thoát nghèo đầu tư cải tạo ao nuôi cá, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Cũng theo ông Trần Văn Quân, thời gian tới, Hải Dương tập trung hỗ trợ vốn người nghèo và các đối tượng chính sách khác cũng như quan tâm đầu tư vốn chính sách cho các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thu hút nhiều lao động, phát triển làng nghề, sản phẩm dịch vụ… trên địa bàn. Hải Dương cũng tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh, huyện.

Cùng với đó, trong thời gian tới, Hải Dương nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống kiểm tra, giám sát trong tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, vai trò giám sát của toàn dân đối với hoạt động tín dụng chính sách nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, chấn chỉnh những sai sót, tồn tại trong quản lý và sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội.

Tỉnh cũng tiếp tục mở rộng dịch vụ huy động tiền gửi tiết kiệm và dịch vụ thanh toán, tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ; tạo tính chủ động và bền vững trong hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương, tỉnh tiếp tục xử lý các khoản nợ rủi ro do khách quan để đảm bảo công bằng, giúp người vay kịp thời tháo gỡ khó khăn; nâng cao quản lý và xử lý nợ rủi ro.

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hải Dương cho biết, ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào các sản phẩm dịch vụ; quá trình hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội; hỗ trợ, quản lý, theo dõi, giám sát về việc thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi; nâng cấp các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động giao dịch tại xã. Đồng thời, ngân hàng cũng tập trung đào tạo và đào tạo lại để nâng cao trình độ, năng lực đối với đội ngũ cán bộ; làm tốt công tác thu nợ đến hạn, nợ quá hạn….

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hải Dương, đến 30/9/2022, sau 20 năm, từ 2 chương trình tín dụng đến nay đã có 12 chương trình được thực hiện, mở rộng tín dụng chính sách cả về phạm vi, đối tượng và nguồn vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách với hơn 14.000 tỷ đồng đã cho trên 749.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách vay.

Tổng dư nợ đến 30/9/2022 đạt trên 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 16 lần so với năm 2003. Trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách trung ương và địa phương đã góp phần giúp trên 104.000 hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 38.000 người lao động; giúp trên 117.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng được trên 427.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng trên 3.300 căn nhà…/.

Mạnh Tú
Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Dương: Hành trình giúp dân giảm nghèo bền vững
Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Dương: Hành trình giúp dân giảm nghèo bền vững

Tháng tư này, về Bình Dương, sức sống mới như bừng lên sau thời gian chống dịch COVID-19 từ những thành phố trẻ Dĩ An, Thuận An cho đến vùng chiến khu xưa Bầu Bàng, Tân Uyên, Dầu Tiếng… Miền đất đỏ rộng 2.700 km2 này còn là 1 trong 6 địa phương của cả nước có chuẩn nghèo về thu nhập cao hơn chuẩn nghèo quốc gia (gấp 1,7 lần).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN