Thành quả có được ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã, sự tham gia tích cực của nhân dân, thì không thể không kể đến những đóng góp thiết thực, quan trọng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tập trung huy động nguồn lực tài chính và chuyển tải các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, giúp nhân dân trong cuộc chiến chống thiên tai, dịch bệnh, nghèo khó.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Đức cho biết: “Những năm qua, chúng tôi bám rất chắc các chủ trương, chính sách, nghị quyết liên quan đến tín dụng chính sách, đồng thời căn cứ vào thực tế của địa phương để khơi thông nguồn vốn phục vụ kịp thời, đắc lực công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững”.
Ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, ông H La Viêng, dân tộc Chăm, chia sẻ: Mới ngày nào cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng quê thuần nông nơi đây rất gian nan, thiếu thốn, lại còn tập quán để rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, nhưng từ khi được NHCSXH huyện hỗ trợ, đầu tư vốn ưu đãi phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, sửa chữa và xây mới nhiều công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn, nhờ vậy cuộc sống tươi vui, no đủ hơn. Trong đó, gia đình ông A Ly, dân tộc Chăm được mọi người nhắc đến như một hình mẫu giảm nghèo bền vững.
Mấy năm trước, nhà ông còn đứng trong tốp nghèo nhất xã Minh Hòa. Tuy có đất ruộng canh tác nhưng thiếu vốn liếng, ông chỉ loay hoay trồng giống cây ngắn ngày năng suất thấp, cuộc sống quanh năm nhọc nhằn, lấn bấn. Từ năm 2017, được sự động viên của chi hội nông dân ấp, ông A Ly đã mạnh dạn vay vốn của NHCSXH để cải tạo vườn tạp, làm chuồng trại kiên cố nuôi bò sinh sản, heo giống. Hiện cơ ngơi của gia đình ông đã có đàn bò béo khỏe, 2 ha vườn rau xanh tốt, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Còn ở thành phố trẻ Thuận An nằm về phía nam tỉnh Bình Dương, tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh, nguồn vốn ưu đãi 636 tỷ đồng của NHCSXH đã tạo thêm lực, thêm đà đẩy tăng trưởng kinh tế, thu nhập cho người dân, đặc biệt là giảm sâu tỷ lệ hộ nghèo. Điển hình như hộ anh Nguyễn Tấn Lợi ở khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn đã sử dụng vốn vay ưu đãi lập xưởng sản xuất đồ mộc dân dụng để có nguồn thu, việc làm ổn định. “Hiện tại gia đình tôi thoát nghèo, lại được vay thêm vốn ưu đãi ngay trong phiên giao dịch bù cho thời gian bị ngừng giao dịch do COVID-19 gây ra để khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất. Cảm ơn sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể địa phương và NHCSXH thành phố”, anh Lợi tâm sự.
Với rất nhiều hộ nghèo, gia đình khó khăn được tiếp cận tới chính sách tín dụng của Nhà nước, nguồn vốn ưu đãi đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp địa phương thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Hiện toàn tỉnh chỉ còn 3.114 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,95% tổng số hộ. Chính sách tín dụng còn mang ý nghĩa khơi dậy ý chí, tinh thần tự lực vươn lên trong các làng quê, trong từng nhà dân.
Nổi bật trong cuộc hành trình 20 năm của tín dụng ưu đãi ở Bình Dương được thể hiện về tốc tộ tăng trưởng dư nợ năm sau cao hơn năm trước, đến nay đạt xấp xỉ 4.300 tỷ đồng, tăng 320 tỷ đồng so với đầu năm 2022 với gần 76.000 khách hàng còn dư nợ. Ngay giữa đại dịch COVID-19 bùng phát lan rộng, nguồn vốn tín dụng ưu đãi nơi đây vẫn tăng đều, thông suốt dòng chảy. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang đạt 1.825 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách đã được lan tỏa về 1.605 tổ tiết kiệm và vay vốn qua 91 điểm giao dịch xã để cho vay trực tiếp từng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đồng thời thực hiện cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động và cho vay trả lương đối với người lao động ngừng việc do dịch COVID-19...
Để chính sách tín dụng ưu đãi đạt hiệu quả cao, cấp ủy, chính quyền địa phương đã luôn xác định việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; từ đó trực tiếp chỉ đạo NHCSXH phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tập trung huy động các nguồn lực tài chính, chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Song hành sự chỉ đạo sâu sát của ngân hàng cấp trên và lãnh đạo địa phương là sự bền bỉ, sáng tạo và tận tâm trong công tác của những người làm tín dụng chính sách, từ cán bộ, quản lý điều hành ở tỉnh, ở huyện, đến nhân viên tác nghiệp tín dụng, kế toán, kho quỹ…đã chẳng quản ngại vất vả nắng lửa, mưa nguồn, dịch bệnh bùng phát lan rộng, luôn bám sát cơ sở, cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể về cách thức giúp dân vay vốn thuận lợi, sử dụng vốn vay sao cho phát triển sản xuất, giảm nghèo nhanh, bền vững.
Hình ảnh người cán bộ tín dụng chính sách trong trang phục áo hồng hoa sen ngày càng trở lên gần gũi, đẹp đẽ trong con mắt người dân miền đất đỏ Bình Dương.