Giữ màu xanh cho rừng ở Kon Tum

Có diện tích lớn nhưng rừng tự nhiên tại Kon Tum phân bố rộng, chia cắt, các đối tượng thường lợi dụng để xâm hại, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Trước thực trạng trên, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để quản lý và bảo vệ rừng.

Chú thích ảnh
Lực lượng kiểm lâm và chính quyền xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum kiểm tra diện tích rừng trồng của người dân. Ảnh: Dư Toán/TTXVN

Sáng tạo, quyết liệt trong bảo vệ rừng      

Tỉnh Kon Tum hiện có gần 611.000 ha rừng, trong đó có hơn 547.580 ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Diện tích rừng tại Kon Tum có nhiều giá trị về kinh tế, phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học…      

Xác định bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, ngay từ đầu năm, tỉnh và các ngành, địa phương đã mở các đợt cao điểm ra quân tuần tra, bảo vệ rừng vào các dịp lễ, tết... Năm 2022, các địa phương, đơn vị chủ rừng đã tổ chức hơn 600 đợt tuần tra, truy quét, qua đó đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng và 3 điểm nóng vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum Võ Sỹ Chung cho biết: Các đơn vị, địa phương đã rà soát, xác định điểm “nóng”, khu vực xung yếu, tuyến giao thông, các khu vực trọng điểm để lực lượng chức năng, chủ rừng tăng cường phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, phát huy được sức mạnh tổng hợp giữa các lực lượng trong bảo vệ rừng.      

Chú thích ảnh
Tuần tra kiểm soát và bảo vệ rừng ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô

Từng là điểm “nóng” về quản lý, bảo vệ rừng, thời gian qua, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đã có nhiều cách làm hay để bảo vệ màu xanh cho các cánh rừng. Đơn vị đã ký 238 bản cam kết bảo vệ và phòng, chống cháy rừng với 238 hộ dân có nương rẫy giáp ranh với Vườn Quốc gia, qua đó nâng cao trách nhiệm của người dân. Ngoài ra, duy trì hoạt động 12 câu lạc bộ xanh ở 12 trường Phổ thông cơ sở trên địa bàn 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi; thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, thế hệ trẻ được tiếp thu, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức bảo vệ rừng.

Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cho biết: Năm 2022, đơn vị tiếp tục giao khoán 3.400 ha rừng cho 7 cộng đồng ở 6 xã, giao khoán mới 13.000 ha rừng cho 16 cộng đồng. Thông qua giao khoán đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào, ổn định cuộc sống, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng.     

Nhờ chủ động trong công tác bảo vệ rừng với nhiều cách làm sáng tạo, sát thực tế nên số vụ vi phạm, khối lượng thiệt hại trong thời gian qua đều giảm. Năm 2022, toàn tỉnh Kon Tum phát hiện 83 vụ phá rừng, khối lượng gỗ vi phạm hơn 419 m3 gỗ tròn. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ vi phạm giảm 110 vụ, khối lượng gỗ vi phạm giảm gần 7,5 m3 gỗ tròn...      

Khoanh vùng trọng điểm        

Chú thích ảnh
Tuần tra kiểm soát và bảo vệ rừng ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô

Theo ông Võ Sỹ Chung, ngành Kiểm lâm Kon Tum xác định, dù số vụ vi phạm, số gỗ tang vật giảm nhưng tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn xảy ra, trong đó một số vụ có khối lượng lớn phải khởi tố vụ án như vụ phá rừng ở 2 Công ty Ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Sa Thầy và Ia H'Drai. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ rừng tại một số nơi còn buông lỏng quản lý. Chính quyền ở một số xã thiếu sự kiểm tra, chấn chỉnh thường xuyên đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế…      

Khắc phục tình trạng trên, năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum sớm chỉ đạo ngành chức năng, các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng; thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng. Địa phương cũng gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, việc làm, nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội cho cư dân sống gần rừng, nhất là cho người dân làm nghề rừng.

Ông Võ Sỹ Chung thông tin thêm, các chủ rừng, địa phương cần rà soát, xác định và xử lý dứt điểm các điểm nóng vi phạm Luật Lâm nghiệp; thường xuyên theo dõi, kiểm soát, quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ, kinh doanh lâm sản và mộc dân dụng trên địa bàn; kiên quyết xử lý theo quy định các dự án được giao rừng, cho thuê rừng, nhưng để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, để rừng bị lấn chiếm, sử dụng rừng sai mục đích...      

Chú thích ảnh
Tuần tra kiểm soát và bảo vệ rừng ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô

Cùng với các giải pháp căn cơ, lâu dài, trước mắt ngay từ đầu năm mới 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chỉ đạo các đơn vị liên quan mở đợt cao điểm tuần tra và tăng cường quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Tỉnh Kon Tum xác định, các đợt nghỉ dài ngày (đón năm mới, Tết Nguyên đán...) là thời điểm các đối tượng thường lợi dụng sự sơ hở, chủ quan của lực lượng bảo vệ rừng để khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật.

Để chủ động phòng ngừa, đảm bảo lực lượng ứng phó, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp lưu ý các ngành, địa phương phải xác định, khoanh vùng các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra vi phạm, tổ chức đồng loạt ra quân, mở đợt cao điểm tuần tra, truy quét và tăng cường triển khai các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng đến sau Tết Nguyên đán Quý Mão.

Cao Nguyên (TTXVN)
Nhiều diện tích rừng trồng tại Kon Tum bị chết 
Nhiều diện tích rừng trồng tại Kon Tum bị chết 

Tháng 7/2021, có 29 hộ dân ở thôn Tu Mơ Rông và Mô Pả xã Đăk Hà huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đăng ký trồng rừng với diện tích hơn 33 ha. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm đến nay, số diện tích rừng trồng trên đã chết nhiều, mật độ cây sống chưa tới 20% khiến người dân lo lắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN