Nhiều diện tích rừng trồng do Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn quản lý bị lấn chiếm

Ngày 31/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân (Bình Định) cho biết, đơn vị đã phối hợp các ngành Nội chính của huyện tiến hành kiểm tra, giám định vụ phá hơn 0,9 ha rừng trồng xảy ra tại xã Đăk Mang (huyện Hoài Ân), đồng thời khởi tố vụ án và chuyển vụ việc cho Công an huyện Hoài Ân mở rộng điều tra.

Vụ phá rừng trồng này xảy ra từ tháng 3/2022, rừng bị phá chủ yếu là rừng nghèo đang được khoanh nuôi tái sinh. Toàn bộ diện tích đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lâm nghiệp Sông Kôn (Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn) quản lý từ năm 2010.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn, lợi dụng những ngày mưa gió, một số hộ dân đã tiến hành phát dọn, lấn chiếm diện tích rừng do Công ty quản lý để trồng keo. Trước khi có kết luận của ngành chức năng, Công ty sẽ tổ chức họp để kiểm điểm trách nhiệm cán bộ quản lý địa bàn đã để xảy ra tình trạng phá rừng. Công ty sẽ tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng hơn nữa trong thời gian tới.

Trong khi đó, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định vừa ra thông báo nêu ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh tại cuộc họp giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân về việc Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn và Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng để các hộ dân lấn chiếm, chặt phá rừng trái pháp luật.

Theo đó, Thanh tra tỉnh được giao chủ trì, phối hợp với Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn kiểm tra, xác minh làm rõ đối tượng, vị trí và diện tích lấn chiếm trái phép đối với 9,16 ha đất rừng để có thể thu hồi đất theo quy định.

Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc đối với tập thể, cá nhân để xảy ra rừng tự nhiên bị chặt phá; để mất cây trồng trên diện tích rừng do Nhà nước đầu tư, trong đó có việc người dân lấn chiếm để canh tác nhưng không lập biên bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định; thanh toán tiền giao khoán cho hộ gia đình, tập thể thôn, cộng đồng dân cư nhận khoán quản lý, bảo vệ không phải rừng tự nhiên; kịp thời thu hồi và nộp đầy đủ số tiền thanh toán sai quy định trên 31 triệu đồng.

Tại thông báo của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh tổ chức kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân trong việc buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng để rừng bị chặt phá; có biện pháp chấn chỉnh những tập thể cộng đồng dân cư và hộ khoán bảo vệ rừng tự nhiên để xảy ra rừng bị chặt phá, cháy, bị khai thác trái phép.

Lãnh đạo tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thạnh hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện của Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh và Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn và tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra giúp việc quản lý bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Đạo cho biết, 9,16 ha rừng bị người dân lấn chiếm từ năm 2014 đến nay thuộc địa bàn xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh). Sự việc xảy ra lâu, sau đó, Công ty khảo sát, đo đạc lại toàn bộ diện tích rừng thấy tổng diện tích bị lấn chiếm là 9,16 ha. Công ty đã phối hợp với kiểm lâm, chính quyền địa phương đi kiểm tra và xác định được một số hộ lấn chiếm.

Tường Quân (TTXVN)
Lâm Đồng: Xử phạt, buộc hai cá nhân khôi phục, trả lại diện tích rừng đã lấn chiếm
Lâm Đồng: Xử phạt, buộc hai cá nhân khôi phục, trả lại diện tích rừng đã lấn chiếm

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ra hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai cá nhân lấn chiếm gần 1,6 ha rừng ở hai huyện Lâm Hà và Lạc Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN