Nhiều diện tích rừng tự nhiên tại xã Suối Tân bị xâm lấn, đốn hạ

Theo phản ánh của người dân, trên địa bàn xã Suối Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), tình trạng xâm lấn, chặt phá rừng, đốt than làm nương rẫy, trồng cây ăn quả thường xuyên xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng nhất là vào mùa khô.

Chú thích ảnh
Hàng chục ha rừng tự nhiên tái sinh tại xã Suối Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã bị “cạo trọc” để trồng các loại cây như chuối, xoài.

Các cơ quan chức năng của tỉnh xác nhận có việc phá rừng. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến nhiều diện tích rừng tự nhiên bị “cạo trọc” để canh tác nhiều loại cây trồng.

Nhiều diện tích rừng bị đốn hạ

Tại tiểu khu 231 thuộc xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, rừng tái sinh tự nhiên phát triển tốt, chiều cao từ 5-10m, có nhiều cây to hai người ôm không xuể. Song cũng có nhiều diện tích rừng tự nhiên bị đốn hạ, đốt than để thay thế bằng các cây trồng khác như chuối, xoài...

Điển hình là khoảnh rừng có diện tích hơn 7.300 m2 tại núi Đá Hang, xã Suối Tân mới bị chặt hạ ngày 19/2, hiện vẫn ngổn ngang thân cây có đường kính trên 20 cm. Người dân phản ánh tình trạng phá rừng chiếm đất sản xuất tại tiểu khu 231 diễn ra từ nhiều năm nay nhưng cơ quan chức năng không xử lý dứt điểm.

Anh Nguyễn Quốc Hưng, người quản lý bảo vệ rừng của Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại, dịch vụ Mỹ Hằng, đơn vị được UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép triển khai dự án “Khu du lịch sinh thái dã ngoại kết hợp kinh tế trang trại” tại khu vực này cho biết: Trong quá trình triển khai dự án, doanh nghiệp đã khoanh nuôi bảo vệ rừng, song có nhiều đối tượng vẫn lén lút chặt, đốt rừng lấy than và trồng cây chuối, xoài. Đơn vị đã bắt quả tang nhiều lần, ghi lại hình ảnh gửi các cơ quan chức năng tuy nhiên vẫn không được giải quyết dứt điểm. “Chúng tôi mong các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng để trồng cây ăn quả như hiện nay. Nếu không xử lý dứt điểm, nạn phá rừng sẽ vẫn tiếp diễn, không chỉ ở tiểu khu 231 mà còn tại các khu vực khác”, anh Hưng đề nghị.

Anh Hưng cho biết, trong các ngày 19/2 và 24/2, tại núi Đá Hang và Hòn Nhọn, xã Suối Tân, tổ bảo vệ rừng của đơn vị liên tục phát hiện vụ phá rừng và đã ghi lại được hình ảnh đối tượng, đồng thời báo cáo vụ việc cho Hạt Kiểm lâm Cam Lâm. Trước đó, vào năm 2020, doanh nghiệp đã phản ánh đến cơ quan chức năng về tình trạng phá rừng với diện tích khoảng 5 ha tại tiểu khu ST242A thuộc địa phận xã Suối Tân. Trên địa bàn huyện Cam Lâm, số liệu của Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa cho thấy năm 2020 có 19,165 ha rừng bị phá.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Tân khẳng định diện tích đất rừng tại tiểu khu 231, núi Đá Hang thuộc xã quản lý. Ông cho biết đây là đất rừng tái sinh, cây cao nhất khoảng 2,5m. Thực tế phóng viên ghi nhận tại hiện trường, nhiều cây rừng tái sinh cao từ 5-10 m, ngoài ra còn có nhiều cây lớn, đường kính lớn như: ké, bằng lăng, da…

Ông Hải thừa nhận việc người dân dùng rựa phát một số cây và đã phát đi phát lại nhiều lần. Địa phương đã lập biên bản, yêu cầu các đối tượng chấm dứt phát dọn. Tuy nhiên, do Tiểu khu 231 nằm phía sau mặt núi, góc khuất, địa bàn hiểm trở, các đối tượng vẫn lén lút chặt phá. Về vụ việc chặt phá rừng sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, ông Hải cho biết, xã bước đầu xác định được đối tượng phá rừng là người ở xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh. Hiện UBND xã đã chỉ đạo lực lượng công an kiểm tra, xác minh để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo Trung tâm Kiểm tra khảo sát thiết kế nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, kết quả khảo sát năm 2016 xác định tại tiểu khu 231 có rừng. Tuy nhiên, tại bản đồ kiểm kê rừng của huyện Cam Lâm, khu vực này lại thuộc diện tích đất trống nhiều cây bụi. Như vậy, cùng một thời điểm, hai đơn vị đưa ra hai kết luận khác nhau. Đến năm 2019, UBND tỉnh quyết định đưa tiểu khu 231 ra khỏi khu vực đất có rừng theo Quyết định 1440- QĐ/UBND ngày 15/5/2019. Đến tháng 2/2021, sau khi khu vực này bị một số đối tượng dùng cưa máy, rựa chặt phá rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lâm và UBND xã Suối Tân sau khi kiểm tra, đo đạc đã lập biên bản và xác nhận khu vực này là rừng tự nhiên tái sinh.

Hạt Kiểm lâm Cam Lâm cho rằng do thời điểm khác nhau, việc cập nhật, kiểm kê rừng sẽ dẫn đến việc đánh giá hiện trạng khác nhau. Thực tế ghi nhận tại khu vực này, cây rừng tái sinh đã phát triển mật độ dày, có chiều cao từ 5-10 m, chưa kể có nhiều cây to, hai người ôm không xuể. Ông Hoàng Trung Sĩ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lâm đánh giá tiểu khu 231, Đá Hang có gần 100 ha rừng tái sinh hiện phát triển rất tốt. Năm 2020, Hạt đã cho cập nhập hiện trạng để khoanh nuôi thành rừng. Sau vụ phá rừng xảy ra trong tháng 2 vừa rồi, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp cùng UBND xã Suối Tân kiểm tra và ghi nhận khu vực này bị các đối tượng dùng cưa, rựa chặt phát. Hiện trường còn lại các gốc cây chặt, cành nhánh và thân cây gỗ đã cắt khúc nằm rải rác. Ông Hoàng Trung Sĩ cho rằng để xảy ra tình trạng phá rừng, UBND xã Suối Tân là đơn vị chịu trách nhiệm chính. Cơ quan quản lý nhà nước là Hạt Kiểm lâm có một phần trách nhiệm. Hạt đã có văn bản đề nghị UBND huyện Cam Lâm yêu cầu các xã có diện tích rừng tự nhiên cần tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn lấn chiếm đất rừng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Chiên, công chức địa chính xã Suối Tân lại cho rằng, khu vực này chưa phân định được diện tích đất rừng do dân và xã quản lý. Xã cũng chưa cập nhật có bao nhiêu hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì khu vực này hiện nhập nhằng ranh giới giữa đất của dân và đất của xã quản lý. “Khu vực này trước đây đường núi hiểm trở, khó đi lên đo đạc. Trong bản đồ 2007, khu vực trên cao không giải thửa hết. Do đó, đất của dân và đất do xã quản lý đều đo gộp chung vào một thửa", bà Chiên phân trần.

Theo bà Chiên, đối với diện tích đang canh tác trồng cây ăn trái xung quanh phía dưới rừng tái sinh vừa bị đốn hạ cũng không thể xác định thuộc xã nào vì giáp ranh nhiều xã. Để làm rõ thuộc xã nào cần phối hợp với Kiểm lâm tiến hành định vị. 

Trước thực tế trên, nhiều người dân đặt ra câu hỏi vì sao năm 2016 khu vực này có rừng nhưng đến năm 2019 không còn là rừng? Có hay không việc rừng bị xâm chiếm trong thời gian dài mà không có cơ quan nào xử lý do vẫn còn những nhập nhằng trong phân định, quản lý rừng? Từ đó, đã tạo ra những lỗ hổng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng khiến công tác xử lý chưa triệt để và rừng tiếp tục bị xâm lấn.

Bài và ảnh: Thanh Vân (TTXVN)
Nhanh chóng xây dựng đề án khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên
Nhanh chóng xây dựng đề án khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên

Tại hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành năm 2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 6/1 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, năm 2020, ngành lâm nghiệp đối mặt với 3 thách thức lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN