Giáo dục Bắc Ninh- Nhiệm kỳ ấn tượng

Ngành giáo dục Bắc Ninh đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hoạt động dạy và học xuất sắc khi hoàn thành vượt tiến độ và về đích sớm 6/6 chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Bắc Ninh giữ vững vị trí trong nhóm dẫn đầu toàn quốc, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển trong giai đoạn mới.

Bắt đầu nhiệm kỳ mới trong điều kiện vô cùng khó khăn do đại dịch COVID-19 bùng phát, song Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, đổi mới, sáng tạo, triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đồng thời, ngành cũng chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách đầu tư, mở rộng quy mô, chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân. 

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn trao thưởng cho các em học sinh đoạt thành tích cao
trong các giải khu vực, quốc tế.

Bám sát chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự quan tâm đầu tư với những chính sách đặc thù, vượt trội của tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025, ngành giáo dục Bắc Ninh đã thực hiện đạt và vượt 6/6 chỉ tiêu và là một trong những Đảng bộ về đích sớm trong triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ 20.

Trong đó, bốn chỉ tiêu vượt so với nghị quyết đã đề ra gồm: Tỷ lệ trẻ mầm non được học bán trú (đạt 99,7%); Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông bình quân hằng năm ( đạt 99,5%); Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng được chăm sóc, nuôi dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non (đạt dưới 3,0%); Trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (đạt 87,2%).

Hai chỉ tiêu thực hiện đạt so với nghị quyết gồm: 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; 100% học sinh phổ thông học môn Ngoại ngữ bắt buộc, (riêng đối với lớp 1, lớp 2 học tiếng Anh là môn học tự chọn đạt 83,8%). 

Chú thích ảnh
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thế Sơn (thứ 4 từ phải hàng đầu) trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho các em học sinh đoạt giải cao trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.

Nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm (2020-2025), có thể thấy, Bắc Ninh là địa phương có phong trào giáo dục phát triển mạnh cả về quy mô, chất lượng và cơ cấu giáo dục. Các chỉ số tiếp cận và phổ cập giáo dục của tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, tỉnh đã triển khai đồng bộ mục tiêu và chuẩn đầu ra cho các bậc học. Đáng chú ý, công tác bồi dưỡng đội ngũ cho cán bộ quản lý, giáo viên được chú trọng, tăng về số lượng, bảo đảm về chất lượng và ngày càng đồng bộ về cơ cấu. Bắc Ninh hiện có hơn 19.000 biên chế cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên trường học với tỷ lệ cán bộ giáo viên đạt chuẩn trình độ là 97,7%. 

Đáng chú ý, từ năm học 2022-2023, tỉnh đã hỗ trợ miễn học phí cho 100% học sinh mầm non và phổ thông. Chương trình “Sữa học đường” triển khai ở tất cả các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngành giáo dục và đào tạo Bắc Ninh đã đã tích cực tuyên truyền, chủ động nắm bắt tư tưởng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, triển khai đồng bộ các giải pháp tổ chức lại bộ máy quản lý, tiến hành sắp xếp, sáp nhập các đầu mối phòng ban có chức năng tương đồng, tiếp nhận chức năng quản lý giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (trước đây). Sau sắp xếp, toàn tỉnh đã giảm được 60 cơ sở giáo dục, từ 442 trường xuống còn 382 trường trực thuộc UBND cấp huyện,  có 34 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở… 

Chú thích ảnh
Phong trào dạy tốt, học tốt được khẳng định bằng chất lượng giáo dục. 

Ông Nguyễn Thế Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh, khẳng định: Bắc Ninh là một trong những địa phương có phong trào giáo dục phát triển mạnh, giữ vị trí trong nhóm dẫn đầu toàn quốc. Song song với đầu tư cơ sở vật chất, việc nâng cao chất lượng dạy và học được đặc biệt chú trọng. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện linh hoạt, sáng tạo theo kế hoạch và lộ trình của Bộ. Công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong quản lý và dạy học được tăng cường đáp ứng yêu  cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. 

Kết quả, ngành đạt nhiều kết quả tích cực với chất lượng giáo dục năm sau cao hơn năm trước ở cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông xếp từ thứ 26 năm 2020, lên thứ 19 trong năm 2021 và đã có sự chuyển biến, giữ ổn định top 5 toàn quốc trong hai năm học 2023, 2024. Tỷ lệ thí sinh được công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông hằng năm bình quân đạt 99,51%. 

Chú thích ảnh
Công tác chăm sóc, giáo dục trẻ được các nhà trường chú trọng

Giai đoạn 2020-2025, học sinh Bắc Ninh đạt 427 giải học sinh giỏi quốc gia. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 23 lượt học sinh tham gia các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, trong đó có 18 học sinh đạt giải. Những kết quả xuất sắc này cho thấy hệ thống đào tạo của các cấp học, đào tạo mũi nhọn của tỉnh đang đi đúng hướng và là động lực để ngành giáo dục Bắc Ninh kiên trì với mục tiêu, định hướng đến năm 2030 sẽ phát triển bền vững, duy trì chất lượng giáo dục trong nhóm dẫn đầu toàn quốc một cách toàn diện, vững chắc; hướng tới nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và hội nhập quốc tế. 

Tại buổi làm việc với Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo về đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020- 2025 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn ghi nhận, đánh giá ngành giáo dục đã có những thành tựu đáng tự hào, có những giải pháp, cách làm mang tính đột phá, sáng tạo, tiếp tục khẳng định vị thế giáo dục Bắc Ninh.

Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, trong thời gian tới, ngành cần bảo đảm phát triển hài hoà giữa giáo dục công lập và ngoài công lập. Chú trọng xây đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, ý thức trách nhiệm công dân; xây dựng văn hóa học đường, giáo dục học sinh có kỹ năng sống, có ngoại ngữ, công nghệ thông tin, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế, tăng cường công tác phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cũng “đặt hàng” ngành giáo dục chủ động tham mưu triển khai, thực hiện hiệu quả các quan điểm, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, nâng cao chất lượng để giáo dục Bắc Ninh tiếp tục bứt phá, vươn tầm trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu giáo dục hội nhập.

Bí thư Tỉnh ủy cũng gợi mở ngành giáo dục Bắc Ninh cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo; nghiên cứu chiến lược phát triển ngành giáo dục Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với Quy hoạch chung của tỉnh; tiếp tục hoàn thiện quy hoạch hệ thống trường, lớp; rà soát, đề xuất bổ sung diện tích đất hoặc giới thiệu vị trí mới đối với những trường thiếu diện tích đất theo quy định, đáp ứng tiêu chí xây dựng trường, lớp đạt chuẩn quốc gia; chủ động tham mưu, triển khai, thực hiện hiệu quả các quan điểm, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục để giáo dục Bắc Ninh xứng tầm vị thế của tỉnh, quốc gia, khu vực quốc tế, đáp ứng yêu cầu giáo dục hội nhập.

Thanh Thương
Điểm nhấn của Luật Nhà giáo là giao quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục
Điểm nhấn của Luật Nhà giáo là giao quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục

Sáng ngày 6/5, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo. Một trong những điểm nhấn của dự thảo Luật Nhà giáo là làm rõ định hướng giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN