Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum việc chậm giải ngân chủ yếu do vướng mắt trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, hầu hết các dự án được bố trí kế hoạch với tổng mức vốn lớn trong năm 2020 đều gặp khó trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, dự án đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 24, giải ngân được gần 16% trong tổng số 228 tỷ đồng. Dự án hồ chứa nước Đăk Pokei giai đoạn 1 do Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư với tổng kế hoạch vốn địa phương năm 2020 trên 27 tỷ đồng mới giải ngân được hơn 15%. Riêng 3 dự án do Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh làm chủ đầu tư với tổng kế hoạch vốn địa phương 65 tỷ đồng chưa giải ngân được…
Nguyên nhân theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum (báo cáo số 1793/SKHĐT-TH ngày 24/7) là do nhiều hộ dân cố tình gây khó khăn, cản trở trong việc thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, không đồng ý giá bồi thường hỗ trợ của Nhà nước, đòi theo giá thỏa thuận.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư các dự án, tổ chức thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng thiếu sự phối hợp chặt chẽ, xử lý vướng mắc chưa thực sự quyết liệt, chưa đeo bám công việc, dẫn đến tình trạng vướng mắc, kéo dài, làm chậm tiến độ thực hiện dự án. Ngoài ra, chậm trễ trong việc hoàn chỉnh thủ tục dự án đầu tư theo quy định.
Đối với các dự án ODA do vướng mắc trong thủ tục thanh toán; một số nguồn vốn từ Trung ương cũng chỉ mới vừa được giao cho địa phương.
Trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Cụ thể, tỉnh giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ rút ngắn tối đa thời gian thi công công trình.
Ông Đàm Phúc Tuyên, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Kon Tum cho biết thêm, để có đủ căn cứ giải ngân nhanh các dự án giao thông, về mặt hiện trường phải hoàn thành về mặt khối lượng, đồng thời phải hoàn thành hồ sơ thanh quyết toán. Ngoài ra, để đảm bảo tiến độ, nhà thầu phải tăng cường máy móc thiết bị, tăng ca và chủ đầu tư sẽ theo sát tiến độ, thường xuyên họp giao ban công trường hàng tuần.
Ngoài ra, tỉnh Kon Tum cũng xác định sẽ chủ động tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công.
Đối với một số dự án được giao kế hoạch năm 2020 với mức vốn lớn nhưng hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc, tiến độ chậm, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư, tránh bị mất vốn hoặc điều chỉnh vốn như: hồ chứa nước Đăk Pokei giai đoạn 1; đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 24; dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm định canh định cư tập trung…
Năm nay, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước mà tỉnh Kon Tum được Trung ương giao là trên 2.100 tỷ đồng; trong đó, vốn trong nước hơn 1.600 tỷ đồng và vốn nước ngoài hơn 500 tỷ đồng.