Mặt khác việc bố trí các quầy sạp kinh doanh không khoa học, gây khó khăn cho quá trình di chuyển của xe chữa cháy, xe thu gom rác thải làm cho chợ Đầm Nha Trang ngày càng xuống cấp không bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường và không tương xứng với danh hiệu thành phố Nha Trang là đô thị loại 1 thuộc tỉnh Khánh Hòa - trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước.
Ngày 30/12/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định số 3441/QĐ-UBND về việc thu hồi đất do Ban Quản lý chợ Đầm sử dụng và giao cho Công ty cổ phần sông Đà Nha Trang để thực hiện dự án chợ Đầm Nha Trang giai đoạn 1. Theo quy hoạch thì đây sẽ trở thành trung tâm thương mại dịch vụ chợ Đầm, thành phố Nha Trang.
Để thực hiện được dự án này, các hộ tiểu thương tại chợ Đầm tròn nếu tiếp tục kinh doanh sẽ phải di dời sang chợ Đầm mới. Song vì nhiều lý do liên quan đến lợi ích của tiểu thương nên việc di dời vẫn chưa thể thực hiện. Trong khi tiểu thương chợ Đầm mới thì hối thúc dự án nhanh hoàn tất để thu hút khách vào mua bán, còn người buôn bán ở chợ Đầm tròn lại cố níu giữ địa điểm kinh doanh cũ. Sự giằng co chưa có hồi kết khiến tiểu thương cả ở hai chợ rơi vào tình cảnh buôn bán dở dang.
Mới đây, để đi đến dứt điểm việc di dời trên 200 hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ Đầm cũ sang chợ Đầm mới, Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang cũng đã ra thông báo về kế hoạch di dời các hộ tiểu thương ở chợ Đầm cũ sang chợ Đầm mới trước ngày 18/1. Đến ngày 20/1, sẽ giải thể Ban Quản lý chợ Đầm, ngừng hợp đồng cung cấp điện với Công ty Điện lực tại khu vực chợ Đầm tròn. Thông báo này đã gây ra tác động tới tiểu thương tại chợ Đầm cũ.
Theo các tiểu thương chợ Đầm tròn, khi Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa quy hoạch, phê duyệt cho Công ty cổ phần Sông Đà Nha Trang đầu tư thực hiện dự án kinh doanh chợ Đầm mới và theo dự án đó sẽ đập bỏ, xóa sổ chợ Đầm tròn đều không thực hiện lấy ý kiến của các tiểu thương chợ Đầm tròn, là đối tượng bị ảnh hưởng, tác động bởi quy hoạch và bởi dự án kinh doanh theo các quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư và pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Bà Nguyễn Thanh Quý chủ sạp 242 chợ Đầm tròn cho biết đã kinh doanh tại đây gần 30 năm, cách đây 6 năm bà và các tiểu thương cũng đã biết đến chủ trương di dời chợ Đầm tròn sang chợ Đầm mới. Tuy nhiên bà Quý cho rằng khi xây dựng chợ Đầm mới, nhà đầu tư và chính quyền không lấy ý kiến của các tiểu thương để có phương án xây dựng chợ phù hợp, vì chợ Đầm kinh doanh theo mô hình chợ du lịch, thu hút được không chỉ khách trong tỉnh mà còn có cả khách du lịch ghé tham quan, mua sắm.
“Nếu như chuyển sang chợ Đầm mới chúng tôi sẽ khó mà kinh doanh được, hơn nữa lại đúng vào dịp chuẩn bị Tết Nguyên đán, là thời điểm hàng hóa bán chạy hơn mà yêu cầu chúng tôi phải di dời sang chợ mới thì làm sao chúng tôi ổn định để buôn bán, cả năm nay chúng tôi đã cố gắng cầm cự vì dịch bệnh rồi”, bà Quý bức xúc nói.
Còn bà Lê Thụy Kim Uyên, tiểu thương chợ Đầm tròn cho rằng, việc yêu cầu các hộ tiểu thương từ chợ Đầm tron sang chợ Đầm mới thì cần phải có sự bồi thường về tài sản trên đất, vì trước đây (năm 1993) khi họ nhận ô sạp tại chợ đã phải đóng một khoản tiền từ 4 triệu đồng để xây dựng các ô sạp trong chợ (tại thời điểm lúc bấy giờ với số tiền này có thể mua được một căn nhà tại thành phố Nha Trang). Do vậy khi họ di dời đi sang chợ mới thì phải có phương án bồi thường.
Về phía các tiểu thương ở chợ Đầm mới, cũng có những bức xúc riêng của mình. Đã 6 năm nay, giữa họ và các tiểu thương ở chợ Đầm tròn đang xung đột về lợi ích. Cùng mặt hàng nhưng tồn tại song song 2 vị trí kinh doanh tại hai chợ sát cạnh nhau dẫn tới khách hàng thường chọn mua ở chợ Đầm tròn, còn các hộ kinh doanh trong chợ Đầm mới ở sâu phía trong ít ai lui tới.
Tại tầng hai của chợ Đầm mới, vẫn còn nhiều gian hàng trống, chưa có người thuê, hoặc có nhưng chỉ rải rác, dẫn đến các mặt hàng chưa đa dạng, chưa thu hút được đông khách ghé mua. Bà Lưu Thị Ngọc Hảo (kinh doanh quần áo) cho biết: “Tôi chấp hành, rời chợ cũ vào chợ mới sớm nhất, nhưng mấy năm nay không làm ăn được gì, còn mấy người không chịu di dời thì lại buôn bán tốt. Như vậy là không công bằng. Đã có chợ mới rồi thì phải di dời hết để hoàn thiện dự án, cho công bằng với tất cả tiểu thương”.
Đứng trước lợi ích kinh doanh bị ảnh hưởng, các hộ kinh doanh tại chợ Đầm mới yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang giải quyết dứt điểm việc di dời hộ kinh doanh vào chợ mới. Bởi đến thời điểm này, tại chợ Đầm mới đã có trên 700 hộ đăng ký thuê gian hàng, trong đó đã có trên 400 hộ đã kinh doanh tại đây từ năm 2015. Còn tại chợ Đầm tròn hiện có trên 200 tiểu thương vẫn đang kinh doanh, trong số này cũng đã có 81 hộ đăng ký thuê gian hàng tại chợ Đầm mới nhưng chưa chuyển sang.
Liên quan đến việc di dời tiểu thương vào chợ Đầm mới, 6 năm qua, đã có nhiều cuộc họp, văn bản lên, xuống song vẫn chưa có hồi kết. Vào năm 2015, khi các tiểu thương chợ Đầm tròn gửi đơn đề nghị các cơ quan nhà nước giữ lại chợ Đầm tròn và liên thông hai chợ mới và cũ. Về kiến nghị này Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ngày 6/8/2015 đã có thông báo số 440/TB-UBND về việc đồng ý chủ trương giữ lại chợ Đầm tròn để sửa chữa, tôn tạo làm trung tâm triển lãm và quảng bá tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh, với điều kiện không cho tiếp tục kinh doanh tại khu vực này. Đồng thời giao Chủ đầu tư lập các phương án thiết kế giữ lại chợ Đầm tròn bảo đảm phù hợp và hài hòa với thiết kế các hạng mục trong dự án chợ Đầm mới.
Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang cũng đã tiến hành đối thoại với đại diện tiểu thương chợ Đầm cũ và ban hành các văn bản về kế hoạch di dời sang chợ Đầm mới, yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên Chợ Đầm (thuộc Công ty cổ phần Sông Đà) khẩn trương thu hồi các điểm kinh doanh đã bố trí không đúng quy định, vượt tiêu chuẩn để chuẩn bị cho việc tiếp nhận lần lượt toàn bộ các hộ kinh doanh từ chợ Đầm tròn vào chợ Đầm mới đảm bảo tuân thủ quyết định của thành phố Nha Trang trước đó.
Bà Lê Thị Hồng Minh, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên chợ Đầm, đơn vị vận hành chợ Đầm mới cho biết hiện nay đơn vị cũng đã sắp xếp vị trí gian hàng, loại hàng phù hợp để các tiểu thương kinh doanh. Những mặt hàng đang được bố trí tại tầng trệt vẫn được sắp xếp đảm bảo. Công ty cũng thực hiện hỗ trợ tiền tháo dỡ ô sạp 1 triệu đồng tiền mặt/1 hộ, đồng thời miễn phí 780 nghìn tiền phí dịch vụ năm đầu tiên, và 2,5 triệu đồng phí dịch vụ cho những năm tiếp theo đối với trên 200 tiểu thương chợ Đầm tròn chuyển sang chợ Đầm mới. Đơn vị cũng cam kết sẽ bố trí đủ các vị trí gian hàng cho các tiểu thương.
Trao đổi với ông Vũ Chí Hiếu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang về phương án di dời các hộ dân ở khu vực chợ Đầm tròn sang chợ Đầm mới, ông Hiếu cho biết trên tinh thần của tỉnh, đến ngày 20/1, Ban Quản lý chợ Đầm thanh lý hợp đồng cung cấp điện tại khu vực chợ Đầm tròn với Điện lực trung tâm và hoàn thiện các bước để giải thể Ban Quản lý chợ Đầm. Đồng thời sẽ tiếp tục vận động các hộ tiểu thương di dời sang chợ Đầm mới để đảm bảo lợi ích công bằng giữa tiểu thương hai chợ. Cũng từ tháng 1/2021, Ban Quản lý chợ Đầm không thu tiền diện tích sử dụng bán hàng, điện,vệ sinh, bảo vệ đêm tại chợ cũ đối với các hộ kinh doanh.
Để giải quyết dứt điểm việc di dời các hộ tiểu thương chợ Đầm tròn sang chợ Đầm mới, ngày 14/1, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã có thông báo kết luận số 11/TB-UBND về một số nội dung liên quan đến sắp xếp các hộ kinh doanh tại chợ Đầm. Theo đó, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Hữu Hoàng, yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên chợ Đầm và các đơn vị liên quan thực hiện việc xử lý bố trí sắp xếp các hộ kinh doanh vào kinh doanh tại chợ Đầm mới theo đúng chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh bảo đảm tính nghiêm minh và sự công bằng đối với các hộ kinh doanh tại chợ Đầm mới.
Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang phối hợp với các đoàn thể tăng cường công tác vận động thuyết phục thành lập tổ công tác để phối hợp các địa phương nơi cư trú tuyên truyền các hộ kinh doanh chưa thực hiện việc di dời vào chợ Đầm mới trước ngày 1/3/2021.