Gia Lai: Chăm lo đời sống người dân để không ai bị bỏ lại phía sau

Với phương châm, không để ai bị bỏ lại phía sau, thời gian qua, các cấp uỷ, chính quyền tỉnh Gia Lai đã triển khai đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ người dân vươn lên trong cuộc sống.

Chú thích ảnh
Người nghèo được hỗ trợ vốn vay để phát triển sản xuất tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai.

Vượt khó thoát nghèo

Gia đình ông Rơ Chăm Chon, làng Mrong Ngó 3, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, là một điển hình. Năm 2020, ông là 1 trong 5 hộ nghèo trong làng, 4 đứa con đều nghỉ học sớm để phụ bố mẹ kiếm cái ăn. Thấy gia đình khó khăn, ông Chon được huyện Chư Păh tặng 1 con bò cái, nay bò mẹ vừa sinh được lứa thứ 2. Ngoài tặng bò, UBND xã Ia Ka cũng đã vận động ông tham gia lớp tập huấn thay đổi kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê, vợ con ông Chon tham gia lớp học cạo mủ cao su. Hiện nay, gia đình ông đã có 2 người được nhận vào làm công nhân công ty cao su huyện Chư Păh với mức lương từ 5 đến 6 triệu đồng/ tháng. Nhờ siêng năng lao động, kinh tế dần ổn định, năm 2022, gia đình của ông Chon đã được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, hai đứa con nhỏ đã trở lại trường học.

Hiện tỉnh Gia Lai có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Jrai và Bahnar. Theo chuẩn nghèo đa chiều, tổng số hộ nghèo tại tỉnh là 45.600 hộ, chiếm tỷ lệ 12,09%, trong đó, 88% là hộ đồng bào dân tộc thiểu. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, từ năm 2016-2022, tỉnh Gia Lai đã giải ngân trên 1.400 tỷ đồng để triển khai các hoạt động như hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tại các địa phương khó khăn. Khi triển khai xuống cơ sở, nguồn vốn này được đa dạng hoá theo nhiều tiểu dự án như đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Kết quả, giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh Gia Lai giảm 15,75% tổng số hộ nghèo, bình quân giảm hơn 3,15%/năm. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân giảm hơn 5,33%/năm... Từ cuối năm 2018 đến nay, tỉnh không còn hộ nghèo là người có công với cách mạng; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn cũng giảm theo từng năm.

Theo mục tiêu Nghị quyết số 05-NQ/TU năm 2017 của Tỉnh uỷ Gia Lai về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả tỉnh bình quân 2%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm trên 3%; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm từ 5%/năm trở lên. Tới 2030, toàn tỉnh không còn huyện nghèo, và không còn xã đặc biệt khó khăn.

Ông Phạm Trần Anh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị sẽ tham mưu cho chính quyền, cấp uy cơ sở xây dựng những giải pháp cụ thể, hỗ trợ hộ khó khăn thoát nghèo. Đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ trung ương; phối hợp với các mặt trận, đoàn thể, chính trị, xã hội các cấp để huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội để đầu tư cho người nghèo phát triển sản xuất.

Với sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp uỷ và chính quyền các địa phương, cùng sự đoàn kết, chung tay và nỗ lực của Nhân dân trong việc đẩy lùi cái nghèo, đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân các dân tộc tại tỉnh Gia Lai sẽ được phát triển, ngày càng nâng cao hơn.

Diện mạo nông thôn đổi thay tích cực

Là 2 anh em trong 7 nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia vì tin lời dụ dỗ  tìm "việc nhẹ-lương cao" và được chính quyền hỗ trợ trở về làng hồi tháng 7/2022, Tết này anh Puih Thái, Puih Đại, làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai rất phấn khởi, sum vầy cùng gia đình. Với Puih Thái, Puih Đại Tết này có lẽ là cái tết vui nhất, bởi họ cảm nhận được sự quý giá của sự bình yên và sự yêu thương, đùm bọc của gia đình, làng, xóm.

Puih Thái cho hay, từ ngày được giúp đỡ trở về nhà, 2 anh em thường xuyên được sự quan tâm, động viên của lực lượng Biên phòng, chính quyền địa phương. Qua đó, anh hiểu rằng, muốn có thu nhập ổn định, thì cần chăm chỉ làm ăn. Việc nhẹ, lương cao chỉ là ảo mộng. Cũng từ khi trở về, anh em tích cực cùng gia đình trồng sắn, trồng lúa, chí thú làm ăn. Qua năm, 2 anh em dự định nuôi thêm đàn dê để cải thiện thu nhập và nộp hồ sơ xin làm công nhân cao su, phụ giúp gia đình trả món nợ đã vay để chuộc mình và em trai.  

Chú thích ảnh
Những hộ nghèo tại tỉnh Gia Lai được tiếp cận, vay vốn chính sách đã dần có cuộc sống ổn định hơn.

Puih Phú, cũng là 1 nạn nhân trong vụ việc 7 thanh niên bị lừa bán sang Campuchia, cho biết, những ngày giáp tết, công việc nương rẫy đã xong xuôi. Anh đang cùng các thanh niên trong làng Kloong phát dọn cây xanh ven đường, quét tước, dọn dẹp khu vực nhà sinh hoạt cộng đồng để dân làng có nơi đánh cồng chiêng, xoang và vui chơi trong những ngày năm mới. Phú dự định, qua tết, sẽ dùng số tiền 18,5 triệu đồng được lực lượng biên phòng hỗ trợ để ra thị trấn huyện học nghề sửa xe và các loại máy móc về mở tiệm sửa chữa trong làng.

Phú cho biết, từ khi được cứu trở về, thanh niên trong làng đều đã quyết tâm sữa chữa lỗi lầm, không tin theo kẻ xấu dụ dỗ nữa, tích cực đi làm, đi học để kiếm tiền chính đáng bằng sức lao động của mình. Sang năm mới, Phú quyết tâm học nghề sửa xe, vì Phú nhận định được phải có nghề nghiệ mới ổn định được cuộc sống.

Ông Siu Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Ia O, huyện Ia Grai cho biết, địa phương có 9 làng, chủ yếu là người Jrai. Trong điều kiện của một xã biên giới nghèo, trong những năm qua, Đảng uỷ và UBND xã đã tranh thủ sự quan tâm của huyện và tỉnh để xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương. Nhờ vậy, diện mạo nông thôn tại đây đã có nhiều thay đổi tích cực. Cùng với đó, xác định vấn đề an ninh biên giới và kinh tế luôn song hành, tác động qua lại nên xã tập trung triển khai cho bà con tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, đổi mới phương thức sản xuất, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả; hướng nghiệp và đào tạo nghề nông thôn là vấn đề cần làm ngay để thanh niên yên tâm làm giàu trên chính quê hương mình.

Với quyết tâm để từng người trong xã hội phát triển ổn định, chính quyền tỉnh Gia Lai đã nỗ lực, tăng cường triển khai các chính sách đến từng hộ dân, đặc biệt là người nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Một mùa xuân mới lại về, cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Gia Lai vui mừng chào đón một năm mới sum vầy, ấm no. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng sự tin tưởng, đồng lòng của nhân dân với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước là minh chứng cho sự phát triển thịnh vượng của đất nước.

Bài và ảnh: Hồng Điệp (TTXVN)
Kon Tum: Hỗ trợ trên 24.700 hộ nghèo, cận nghèo đón Tết
Kon Tum: Hỗ trợ trên 24.700 hộ nghèo, cận nghèo đón Tết

Để người nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum đón Tết Nguyên đán Quỹ Mão, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ trên 15.900 hộ nghèo mỗi hộ 600.000 đồng và trên 8.800 hộ cận nghèo mỗi hộ 300.000 đồng. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng thực hiện các chương trình an sinh xã hội, cùng chính quyền địa phương hỗ trợ người nghèo đón Tết cổ truyền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN