Cụ thể, tỉnh Bến Tre mới bàn giao được 5,2 km trong tổng số 9,32km cần bàn giao, đạt 55,6%; trong khi đó tỉnh Tiền Giang chỉ mới ban giao được 0,19 km trong tổng số 6,84 km cần bàn giao, đạt 2,7%.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, tiến độ giải phóng mặt bằng tại các địa phương triển khai rất chậm; Bến Tre chậm 3 tháng, Tiền Giang chậm 5 tháng so với kế hoạch. Tiến độ phía Tiền Giang không đảm bảo bàn giao mặt bằng phía Mỹ Tho theo cam kết tại cuộc họp ngày 15/9 vừa qua với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là trong tháng 11/2022.
Mặt khác, mặt bằng bàn giao không liên tục gây khó khăn lớn cho triển khai thi công của nhà thầu dù Bộ Giao thông Vận tải đã trực tiếp làm việc với các địa phương và có nhiều văn bản đôn đốc, đề nghị hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao cho dự án. Về chi phí giải phóng mặt bằng, tỉnh Bến Tre đã giải ngân trên 684 tỷ đồng, đạt 96%; tỉnh Tiền Giang được 2,88 tỷ đồng, đạt 1,38%.
Tiến độ phía Tiền Giang không đảm bảo bàn giao mặt bằng phía Mỹ Tho theo cam kết tại cuộc họp ngày 15/9/2021 với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ảnh hưởng đến việc tập kết máy móc thiết bị và thi công của các đơn vị thi công.
Cũng theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đã chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn giám sát phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng đúng tiến độ.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thi công, tư vấn tranh thủ thời tiết thuận lợi, làm “3 ca, 4 kíp”, tăng mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ và kịp thời nghiệm thu khối lượng thi công hoàn thành và thanh toán theo quy định.
“Hiện, trên công trường đang tập trung tối đa nhân lực, thiết bị... tại các khu vực đã được bàn giao mặt bằng để triển khai thi công. Đặc biệt, trong quá trình giám sát, phát hiện nhà thầu yếu kém xử lý ngay không để ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án”, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nhấn mạnh.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án cầu Rạch Miễu 2 được chia làm 6 gói thầu xây lắp, khởi công trong tháng 3/2022 và dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2025.
Hiện gói thầu XL-02 và XL-03 đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán, đang triển khai lựa chọn nhà thầu, dự kiến ký hợp đồng và thi công trong tháng 1/2023. Về sản lượng thi công đến nay của gói XL-04 đạt 28,23 tỷ đồng/351,29 tỷ đồng đạt 8,04%, gói XL-05 là 25,6 tỷ đồng/428,4 tỷ đồng đạt 5,16%. Các gói XL-01 và XL-06 đã hoàn thành chuẩn bị, có thể triển khai ngay khi có đủ mặt bằng thi công.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, cầu Rạch Miễu 2 sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ giúp giảm thiểu tình trạng ách tắc và tai nạn giao thông, tiết kiệm chi phí cho các phương tiện lưu thông vì khoảng cách giao thông đường bộ giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau được rút ngắn.
Bên cạnh đó, công trình sẽ giúp kết nối linh hoạt trong vận tải và lưu thông hàng hóa, thúc đẩy các hoạt động đầu tư phát triển đô thị, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ và du lịch được gia tăng, đẩy mạnh phát triển kinh tế của các vùng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1741/QĐ-TTg ngày 05/11/2020. Dự án do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận quản lý dự án với tổng mức đầu tư hơn 5.175 tỷ đồng, từ ngân sách trung ương, thực hiện từ năm 2021-2025.
Cầu Rạch Miễu 2 cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 3,8km về phía thượng lưu. Dự án có điểm đầu tại Ngã tư Đồng Tâm thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Điểm cuối cách mố phía Bắc cầu Hàm Luông khoảng 0,71km thuộc thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
Tổng chiều dài dự án khoảng 17,6km, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Trong số đó, tổng chiều dài phần cầu chính (cầu Rạch Miễu 2) dài 1.971m vượt luồng chính sông Tiền với thiết kế cầu dây văng, nhịp chính dài 270m, bề rộng mặt cầu là 17,5m, quy mô 6 làn xe (4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ). Phần cầu vượt sông Mỹ Tho dài 425m…