Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu giao với Quốc lộ 91, thành phố Châu Đốc và điểm cuối tại khu vực cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Dự án đi qua địa bàn 4 tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng.
Dự án có chiều dài tuyến 188,2 km. Giai đoạn 1 dự án thiết kế 4 làn xe, bề rộng nền 17 m; tốc độ thiết kế là 100 km/h. Tổng mức đầu tư dự án 44.691 tỷ đồng. Dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025; hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2027.
Tại An Giang, đoạn cao tốc qua địa phận tỉnh An Giang bắt đầu từ tuyến tránh Quốc lộ 91 (xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc) đến huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ với tổng chiều dài tuyến 57,2 km; trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh An Giang 56,62 km, đoạn qua địa phận thành phố Cần Thơ 0,58 km (do vị trí ranh giới hai tỉnh nằm giữa công trình cầu tại km56+515). Dự án đi qua địa phận 4 huyện, thành phố tỉnh An Giang như: Châu Đốc, Châu Phú, Châu Thành và huyện Thoại Sơn.
Tổng mức đầu tư đoạn qua tỉnh An Giang khoảng 13.799 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh, gồm các chi phí như: Xây dựng và thiết bị; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang. Dự kiến, dự án qua An Giang sẽ hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năn 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2027.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có thông báo kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường có ý kiến thẩm tra khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương và tỉnh An Giang đã hoàn thành cắm mốc giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến.
Theo ông Thư, UBND tỉnh An Giang cũng đã có Công văn gửi Bộ Giao thông vận tải ý kiến về vị trí, quy mô bố trí trạm dừng nghỉ. Theo đó, tỉnh đề xuất đặt 1 Trạm dừng nghỉ trên cao tốc tại lý trình Km22+300, xã Bình Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang với quy mô khoảng 5 ha (Trạm thông thường loại 1).
Đối với công tác giải phóng mặt bằng của dự án đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Hiện UBND thành phố Châu Đốc, huyện Châu Phú, huyện Châu Thành và huyện Thoại Sơn đã thành lập hội đồng bồi thường; Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh An Giang đã đo đạc hoàn thành 8 xã: Vĩnh Tế, Vĩnh Châu (thành phố Châu Đốc); Ô Long Vĩ (huyện Châu Phú); Vĩnh Nhuận (huyện Châu Thành); Định Mỹ, Vĩnh Khánh, Vĩnh Phú và xã Định Thành (huyện Thoại Sơn) và công bố chủ trương thu hồi đất đến các hộ dân 8 xã.
Ông Thư cho biết, hiện tiến độ các công việc đã và đang triển khai đảm bảo thời gian khởi công theo Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 25/07/2022 của Chính phủ. Tỉnh An Giang phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023, để đảm bảo dự án khởi công dự án trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.
Thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục liên hệ với bộ, ngành trung ương để hỗ trợ và sớm hoàn thành một số nội dung, làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo như: Phê duyệt khung chính sách, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi; giải phóng mặt bằng. Đồng thời Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang phối hợp các đơn vị liên quan hoàn chỉnh các nội dung khác theo quy định của pháp luật để đảm bảo dự án khởi công đúng kế hoạch trước ngày 30/6/2023.