Đồng Tháp nỗ lực trở thành 'địa phương khởi nghiệp' - Bài 1: Hun đúc tinh thần khởi nghiệp

Với định hướng trở thành “địa phương khởi nghiệp”, từ năm 2015, tỉnh Đồng Tháp đã phát động chương trình khởi nghiệp nhằm khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân trong mọi người dân, doanh nghiệp; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng đến việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.

Hơn 5 năm qua, với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động khởi nghiệp đã đạt được một số kết quả khả quan, tạo sức lan tỏa sâu rộng.

Phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết giới thiệu về những biện pháp cùng những nỗ lực của Đồng Tháp trong việc thực hiện mục tiêu trở thành “địa phương khởi nghiệp”.

Bài 1: Hun đúc tinh thần khởi nghiệp

Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức nhiều hoạt động để triển khai mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trên bước đường lập thân, lập nghiệp; cổ vũ, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, từng bước đáp ứng nhu cầu chính đáng của thanh niên.

Níu chân thanh niên ở lại

Ngày nay, tình trạng thanh niên ly nông, ly hương, tìm việc làm ngoài tỉnh đã, đang diễn ra phổ biến, nhất là lực lượng thanh niên nông thôn. Tuy nhiên, bằng sự năng động, tâm huyết, quyết tâm khởi nghiệp tại nơi “chôn nhau cắt rốn”, nhiều bạn trẻ ở Đồng Tháp đã vượt qua khó khăn để lập thân, lập nghiệp trên chính quê hương mình.

Chú thích ảnh
Chị Phan Thị Thúy Lan (sinh năm 1992) ở xã Định An, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp đã khởi nghiệp với dòng sản phẩm khô cá tra phi-lê. Ảnh minh họa: Chương Đài/TTXVN

Với suy nghĩ lập nghiệp ở đâu cũng không bằng quê hương mình, chàng thanh niên 28 tuổi Nguyễn Thành Trí (ở ấp An Thạnh, xã An Nhơn, huyện Châu Thành) đã từ bỏ công việc địa chính ở tỉnh Tiền Giang và trở về với những con ốc bươu đen. Anh Trí chia sẻ, nếu biết khai thác lợi thế địa phương, thanh niên sẽ "sống khỏe" ngay trên quê hương mình.

Dám nghĩ, dám làm, năm 2019, anh bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi ốc giống tại xã An Nhơn. Ngoài ra, tận dụng 5 ao trong vườn nhà và nguồn phụ phẩm trái cây tại địa phương, anh Trí quyết định thả nuôi ốc thương phẩm.

Anh Nguyễn Thành Trí cho biết: “Khởi nghiệp, ngoài đam mê, nhiệt huyết, cần phải nhanh nhạy nắm bắt thị trường. Nếu thị trường thay đổi, mình phải bắt nhịp theo để phù hợp”. Chẳng hạn, khi thị trường ốc giống bão hòa, người nuôi nhiều, trong khi ốc thương phẩm đang tăng về số lượng và cần tìm đầu ra, thay vì bán buôn ì ạch, anh đã quyết định tìm nơi tiêu thụ để tạo một vòng tuần hoàn cho con ốc. Hằng ngày anh Trí thu mua từ các thành viên tổ hợp tác ốc thương phẩm để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Sau hơn 2 năm khởi nghiệp,  anh Trí có thu nhập ổn định, bình quân 30 triệu đồng/tháng. Anh cũng không còn ý định "ly hương".

Chị Nguyễn Thị Hồng Muội, Bí thư Huyện Đoàn Châu Thành cho biết, từ mô hình của anh Nguyễn Thành Trí, người tiên phong khởi nghiệp từ con ốc trên xã An Nhơn, tháng 9/2020, Tổ hợp tác nuôi ốc thương phẩm trên địa bàn xã ra đời. Hiện nay, tổ có 24 thành viên, là một trong các mô hình khởi nghiệp có hiệu quả trên địa bàn huyện trong thời gian qua. Mặc dù với quy mô còn khiêm tốn, nhưng đối với một địa phương thuần nông như Châu Thành, đây chính là cách để giúp thanh niên nông thôn có việc làm, từng bước xây dựng kinh tế cho bản thân, gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bí thư Huyện Đoàn Châu Thành bày tỏ trăn trở, tại địa phương, đối tượng cần quan tâm trong phong trào khởi nghiệp là thanh niên nông thôn. Bởi lẽ, trong thực tế, thanh niên bỏ quê đi làm ăn xa chiếm tỷ lệ khá lớn, muốn giữ chân họ, đồng thời xây dựng lực lượng thanh niên trở thành lực lượng nòng cốt của tổ chức Đoàn thì cần tạo được mô hình kinh tế cụ thể. Tuy nhiên, ngoài sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn về vốn, kỹ năng, điều kiện tiên quyết để khởi nghiệp thành công là sự quyết tâm, bền chí và tinh thần dám dấn thân của thanh niên.

Đồng hành cùng thanh niên

Theo báo cáo của Tỉnh Đoàn Đồng Tháp, tính đến năm 2020, nguồn vốn vay giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn tạo điều kiện cho thanh niên tổ chức 14 dự án hoạt động hiệu quả, hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh cho hơn 150 thanh niên… Tổng dư nợ nhận ủy thác qua Ngân hàng Chính sách do Đoàn Thanh niên quản lý là hơn 700 tỷ đồng, với trên 31.000 hộ vay tại 692 tổ tiết kiệm và vay vốn, góp phần giúp thanh niên vốn sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lao động, học tập.

Đặc biệt, Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã được thành lập và đi vào hoạt động, qua đó tổ chức Chương trình tuyển chọn dự án khởi nghiệp để đầu tư và thúc đẩy phát triển, thu hút 35 dự án khởi nghiệp tham gia. Kết quả, 6 dự án có nhu cầu vốn lớn được giới thiệu tiếp cận nguồn Quỹ, 13 dự án được xem xét cho vay 1,7 tỷ đồng vốn triển khai dự án từ nguồn Quỹ.

Anh Huỳnh Minh Thức, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Tháp cho biết, hoạt động khởi nghiệp trong thanh niên thời gian qua đã tạo nên một phong trào sâu rộng, có tính lan tỏa cao và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thanh niên có tâm lý nghi ngại, sợ thất bại, chưa mạnh dạn khởi nghiệp. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ vào các mô hình sản xuất, kinh doanh chưa nhiều để tạo ra những sự khác biệt về sản phẩm. Ngoài ra, các mô hình khởi nghiệp, kinh tế tập thể trong thanh niên tuy có tăng về số lượng, nhưng chất lượng có nơi còn hạn chế, quy mô chưa lớn, tính liên kết trong sản xuất, kinh doanh chưa thật sự bền vững. Nguồn vốn để hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu…

Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp cho biết, trong thời gian tới, tổ chức Đoàn các cấp trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức truyền thông về khởi nghiệp, thường xuyên tuyên truyền những tấm gương trong hoạt động khởi nghiệp, góp phần tạo sự lan tỏa trong thanh niên và nhân dân; tăng cường tìm kiếm, phát triển, hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo, hình thành cơ sở dữ liệu và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các tổ chức Đoàn tăng cường kết nối với các ngành, chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế để tư vấn, hỗ trợ, định hướng, hoàn thiện dự án, ý tưởng hoàn thiện sản phẩm; quan tâm kết nối giao thương, các kênh tiêu thụ cho sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên. Đồng thời, các tổ chức Đoàn huy động nguồn lực hỗ trợ cho các ý tưởng khởi nghiệp từ các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, nhà đầu tư khởi nghiệp; giới thiệu công nghệ mới, mô hình quản trị, mô hình phân phối sản phẩm mới cho thanh thiếu niên.

Tỉnh đoàn sẽ phối hợp, phát huy tốt hơn nữa vai trò của Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và Chi hội Doanh nhân trẻ tại các địa phương; xây dựng mạng lưới liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp trên tinh thần hỗ trợ, chia sẻ để doanh nghiệp lớn đi trước giúp đỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới khởi nghiệp.

Tỉnh đoàn đồng hành, trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc xây dựng một thế hệ doanh nhân tử tế trong tương lai, có tâm huyết, sáng tạo để phát huy và tạo thêm giá trị gia tăng từ nguồn tài nguyên bản địa, vững bước hội nhập thương trường quốc tế.

Bài cuối: Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp

Chương Đài (TTXVN)
Tuổi trẻ sông Tiền khởi nghiệp - Bài cuối: Hệ sinh thái khởi nghiệp giúp doanh nghiệp trẻ phát triển bền vững
Tuổi trẻ sông Tiền khởi nghiệp - Bài cuối: Hệ sinh thái khởi nghiệp giúp doanh nghiệp trẻ phát triển bền vững

Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế để hình thành phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thời gian qua nhiều địa phương đã xây dựng hệ sinh thái gắn với phong trào khởi nghiệp. Từ đó, có sự hỗ trợ liên kết giữa các địa phương, các dự án khởi nghiệp sẽ có thị trường rộng lớn để kinh doanh, doanh nghiệp trẻ sẽ có dịp cọ xát, học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN