Đồng Tháp: Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023

Tỉnh Đồng Tháp có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 12.386 ha; trong đó, diện tích đất có rừng là 6.161 ha, có 10 đơn vị chủ rừng được phân bố trên địa bàn 4 huyện Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười và Cao Lãnh.

Chú thích ảnh
Các đơn vị chức năng kiểm tra tại rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười, huyện Tháp Mười. Ảnh (tư liệu): Chương Đài/TTXVN

Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo phân công các huyện có rừng túc trực 24/24 giờ tại Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cơ sở, trạm chốt, đài quan sát. Các huyện tăng cường tuần tra, kiểm soát, tập trung vào các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao để phát hiện cháy sớm, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, gây cháy rừng; chủ động xử lý khi xảy ra cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ".
 
Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được các chủ rừng quan tâm thực hiện. Chi cục Kiểm lâm phối hợp Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) tổ chức kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đợt I tại các đơn vị quản lý rừng. Qua kiểm tra, các đơn vị thực hiện tốt công tác chuẩn bị phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023; xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định. Các tổ, đội được thành lập phân công trực tại các khu vực cao điểm dễ xảy ra cháy rừng, dự trữ nhiên liệu phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng. Các thiết bị phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng được trang bị, bảo dưỡng, vận hành thường xuyên, đảm bảo hoạt động bình thường khi có sự cố cháy xảy ra.
 
Đầu tháng 3/2023 tại Khu Di tích Gò Tháp, huyện Tháp Mười, đơn vị chủ rừng sử dụng biện pháp tổ chức đốt cỏ chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng xung quanh khu di tích. Để thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Vườn Quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông đã lắp đặt camera an ninh ở khu vực trọng yếu để quản lý trực tiếp, kịp thời phát hiện khi có cháy xảy ra.
 
Rừng tràm Gáo Giồng ở huyện Cao Lãnh có nhiều biện pháp phòng, chống cháy rừng hiệu quả như: tạo đường băng trắng, đường băng xanh, đưa máy bơm nước vào các chồi canh trong rừng để phòng cháy, chữa cháy rừng... Khu rừng của Khu Di tích Xẻo Quít ở huyện Cao Lãnh tổ chức dọn sạch cỏ xung quanh rừng và thường xuyên bơm nước tưới tạo độ ẩm trong rừng.
 
Ông Nguyễn Tấn Thành, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến nay, một đơn vị dự báo cháy rừng cấp IV cấp nguy hiểm, có khả năng cháy lớn ở Rừng phòng hộ biên giới Dinh Bà thuộc đơn vị chủ rừng là Đoàn Kinh tế Quốc phòng 959.  6 đơn vị chủ rừng dự báo cháy cấp III, cấp có khả năng dễ cháy.
 
Ông Nguyễn Tấn Thành cho biết thêm, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khu vực Nam bộ đang vào mùa khô năm 2023. Tại tỉnh Đồng Tháp, ngày nắng nóng, đôi lúc có mây, nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 33 - 35 độ C. Vật liệu cháy dưới tán rừng khô nhanh nên có nguy cơ xảy ra cháy rừng.  
 
Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp đề nghị các chủ rừng chủ động đưa nước vào rừng giữ ẩm, thường xuyên vận hành máy chữa cháy 2 lần/tuần; phân công trực 24/24 giờ tại Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cơ sở, trạm chốt, đài quan sát; tăng cường tuần tra, kiểm soát, tập trung vào các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao để phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, gây cháy rừng; chủ động xử lý kịp thời khi xảy ra cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ".

Nguyễn Văn Trí
Nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy từ cấp cơ sở
Nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy từ cấp cơ sở

Chiều 19/3, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền về Phòng cháy Chữa cháy và Cứu hộ Cứu nạn (PCCC&CNCH) cho cán bộ tổ dân phố số 7 về nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ; nguyên nhân cháy nổ; các biện pháp xử lý khi có sự cố xảy ra và phát động xây dựng thực hiện 4 mô hình toàn dân tham gia PCCC&CNCH trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN