Thành phố tập trung xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn đáp ứng theo phương châm 4 tại chỗ “Lực lượng ở trong dân - Phương tiện ở trong dân - Hậu cần ở trong dân - Chỉ huy ở trong dân”; vận động ít nhất 2% hộ gia đình có cá nhân tình nguyện tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.
UBND thành phố đặt mục tiêu, mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 1 người tham gia lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; nắm chắc cách thức sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu, phương pháp, kỹ năng xử lý sự cố cháy ban đầu, kỹ năng thoát nạn khi có cháy xảy ra. Tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình trang bị các phương tiện chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; phấn đấu mỗi hộ gia đình được trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy và dụng cụ, phương tiện cứu hộ, cứu nạn cần thiết như: Xà beng, kìm cộng lực, mặt nạ lọc độc, đèn pin...
Thành phố đang tập trung xây dựng các mô hình tốt, sâu rộng, lâu dài gắn với các hộ gia đình và khu dân cư như: Mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, đối tượng tham gia là người dân thường xuyên sinh sống, làm việc tại hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, khu dân cư. Mô hình “Điểm chữa cháy công cộng" đối tượng tham gia là người dân các ngõ, hẻm sâu tập trung nhiều nhà (nhà ở hộ gia đình hoặc hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh) có chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được. Mô hình "Khu chung cư tập thể an toàn phòng cháy, chữa cháy", đối tượng là các hộ gia đình sinh sống và làm việc tại các nhà chung cư, nhà tập thể, nhà có nhiều hộ trên địa bàn thành phố...
Để công tác phòng, chống cháy hiệu quả, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, trong thời gian tới, các cấp phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và người dân cùng chung tay vào cuộc. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp, người đứng đầu phải phát huy được vai trò, trách nhiệm, tâm huyết, nhiệt tình từ UBND cấp huyện, UBND cấp xã, lực lượng Công an, dân phòng, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố và các đoàn thể xã hội khác.
Việc lựa chọn, xây dựng các mô hình an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn phải phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm; phải phát huy thực sự có hiệu quả phương châm bốn tại chỗ khi có cháy, nổ xảy ra; huy động và sử dụng các nguồn lực xã hội hóa từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân để đầu tư, trang bị phương tiện trong việc xây dựng các mô hình trên địa bàn...