Để đảm bảo an toàn, Công an thành phố đã có hướng dẫn đối với cơ sở kinh doanh karaoke quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Cụ thể: Bậc chịu lửa của công trình phải bảo đảm giới hạn của các cấu kiện, như: Tường, cột chịu lực, tường ngoài, sàn, mái, cấu kiện thang bộ… phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình; đường giao thông phục vụ chữa cháy phải có chiều rộng, chiều cao, tải trọng bảo đảm cho xe chữa cháy, xe thang tiếp cận đến công trình; nguồn nước phải bảo đảm khối tích phục vụ công tác chữa cháy.
Cơ sở kinh doanh karaoke phải bảo đảm khoảng cách phòng cháy, chữa cháy giữa các hạng mục bên trong cơ sở, khoảng cách đến các công trình xung quanh và khoảng cách đến đường ranh giới khu đất. Trường hợp không bảo đảm về khoảng cách phải có giải pháp đối với bề mặt tường ngoài, mặt tiếp giáp phù hợp theo quy định; bố trí mặt bằng, công năng sử dụng phải bảo đảm theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt hoặc xác nhận của cơ quan chức năng và được duy trì trong suốt quá trình hoạt động. Trường hợp có sự thay đổi, cải tạo, phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Về giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan, Công an thành phố lưu ý các trục kỹ thuật xuyên tầng, các trục thông tầng phải được chèn, bịt kín bằng vật liệu ngăn cháy; cửa buồng thang, cửa các phòng kỹ thuật tầng hầm, cửa của các trục kỹ thuật điện, nước thông tầng phải là cửa ngăn cháy; đối với tầng hầm, tầng nửa hầm, trước lối vào thang máy phải bố trí khoang đệm ngăn cháy loại 1 có tăng áp khi có cháy; phải bảo đảm diện tích khoang cháy theo chiều dọc, chiều ngang của công trình.
Việc bố trí công năng và bố trí hệ thống kỹ thuật, thiết bị, vật tư trong công trình phải bảo đảm khả năng ngăn cản sự lan truyền của các yếu tố nguy hiểm của đám cháy khi xảy ra cháy trong một gian phòng, giữa các gian phòng với nhau, giữa các nhóm trong gian phòng có tính nguy hiểm cháy theo công năng khác nhau, giữa các tầng, khoang cháy và giữa các tòa nhà.
Vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt trên tường, vách ngăn và trần treo của đường thoát nạn, lối thoát nạn, buồng thang thoát nạn, các gian phòng tập trung đông người phải được sử dụng bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy. Việc xác định tính cháy của vật liệu không cháy và khó cháy phải do cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn quy định.
Các bộ phận ngăn cháy của công trình như tường, vách ngăn cháy, sàn ngăn cháy, vùng ngăn cháy, khoang ngăn cháy, lỗ cửa và cửa ngăn cháy phải được làm bằng vật liệu không cháy, có giới hạn chịu lửa phù hợp.
Với lối thoát nạn, cần chú ý các tầng nhà trong công trình kinh doanh karaoke phải có ít nhất 2 lối thoát nạn đảm bảo theo quy định và được bố trí phân tán; cho phép bố trí một lối thoát nạn khi đáp ứng điều kiện về chiều cao, diện tích, số lượng người trên mỗi tầng và giải pháp phòng cháy, chữa cháy bảo đảm theo quy định; gian phòng có mặt đồng thời trên 50 người phải có ít nhất 2 lối thoát nạn bố trí phân tán. Gian phòng có trên 15 người thì cửa gian phòng phải được mở từ trong ra ngoài theo chiều thoát nạn.
Công trình phải được trang bị phương tiện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy và các hệ thống kỹ thuật liên quan đến phòng cháy, chữa cháy phù hợp theo quy mô, tính chất hoạt động của công trình. Hệ thống báo cháy phải được kết nối liên động với hệ thống điện, hệ thống âm thanh các phòng hát.
Thời gian tới, Công an thành phố Hà Nội sẽ phân loại những tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và tổ chức làm việc, đối thoại đối với chủ cơ sở của từng nhóm công trình để hướng dẫn, giải đáp quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy. Từ đó để doanh nghiệp có thể tháo gỡ, khắc phục tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, sớm đưa công trình vào hoạt động trở lại.
Trước đó, vào ngày 16/2, tại trụ sở Công an thành phố, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chủ trì cuộc họp đánh giá thực trạng công tác phòng cháy, chữa cháy và bàn về các giải pháp, biện pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy của các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố; lắng nghe, tiếp thu việc thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở karaoke. Đặc biệt là thông tin, các cơ sở kinh doanh karaoke ở địa bàn Hà Nội đã có kiến nghị gửi các đơn vị liên quan về việc tháo gỡ khó khăn.
Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Dương Đức Hải chỉ đạo các đơn vị tích cực lắng nghe ý kiến phản ánh của các cơ sở; nhanh chóng rà soát, đánh giá thực trạng, đề xuất cấp có thẩm quyền những giải pháp cụ thể để các cơ sở có thể tháo gỡ, khắc phục được tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục để được phép đưa công trình vào hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.
Hiện Hà Nội có 1.538 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng ra quyết định tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động hơn 1.100 cơ sở không đảm bảo phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.