Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Đồng Nai đi tiên phong trong CĐS thì phải chấp nhận đương đầu với những khó khăn. Ngoài quyết tâm, tỉnh cần có những chế tài, cân đối lợi ích hài hòa và thể hiện được vai trò, lợi ích thì mới có thể thành công.
Tích cực triển khai đồng bộ
Chuyển đổi số gắn với NTM tập trung vào các nội dung gồm: Phát triển chính quyền số; phát triển kinh tế số gắn với xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có ứng dụng công nghệ số và xã hội số trong xây dựng NTM.
Việc thực hiện CĐS là hành trình lâu dài để thay đổi về tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ của người dân. Đồng thời, chuyển đổi số đi từ cơ sở không chỉ góp phần làm thay đổi bộ mặt địa phương mà thực sự có ý nghĩa lớn trong thu hẹp khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị. Các địa phương của Đồng Nai đều quyết tâm triển khai thực hiện.
Cụ thể, theo chương trình phát triển chính quyền số, thì ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% công việc cấp xã, phải được xử lý trên môi trường mạng. Đồng thời 100% địa phương, đơn vị sử dụng phần mềm quản lý văn bản. Ngoài ra, tỉnh còn đặt mục tiêu về kinh tế số để góp phần thúc đẩy phát triển nông thôn, cụ thể, phải có ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng đến việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, theo dõi, giám sát, thẩm định, công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó, có cơ sở dữ liệu để xây dựng phần mềm phục vụ công tác thẩm định, công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; phục vụ công tác lấy ý kiến sự hài lòng của người dân trong xây dựng NTM của tình nhằm nâng cao vai trò giám sát và phản biện về kết quả xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, lập bản đồ số về kết quả xây dựng NTM nhằm phục vụ công tác quản lý, tra cứu, tuyên truyền về kết quả triển khai xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Nai Võ Hoàng Khai, mục tiêu xây dựng chính quyền số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền cấp xã đang được triển khai thực hiện. Đồng thời, ngành Thông tin - Truyền thông cũng chú trọng hướng dẫn các nội dung triển khai về kinh tế số, xã hội số nhằm thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị; giúp người dân tại địa phương tiếp cận các nền tảng công nghệ số trong việc kinh doanh, sản xuất, tiếp cận các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe từ xa, cũng như khám chữa bệnh từ xa.
Tạo ra những vùng nông thôn thông minh
Một trong những điểm sáng về nông thôn thông minh là xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu. Là địa phương về đích NTM kiểu mẫu với nhiều kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện thí điểm mô hình xây dựng NTM thông minh gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại địa phương. Kết quả, 100% cán bộ, công chức tại xã đều được trang bị máy tính để phục vụ công việc và triển khai các ứng dụng phục vụ chuyển đổi số; nâng cấp, bổ sung thiết bị, tối ưu hóa mạng nội bộ của xã; đầu tư, triển khai hệ thống hội nghị truyền hình để tham gia họp với huyện, tỉnh và trung ương…tạo cơ sở để chính quyền địa phương có thể triển khai được mô hình chuyển đổi số cấp xã.
Bên cạnh đó, UBND xã Bình Lợi đã triển khai sử dụng đầy đủ các phần mềm liên thông từ trung ương, tỉnh, huyện đến xã; triển khai hệ thống Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử... để đẩy mạnh xây dựng chính quyền số. Từ khi thực hiện chuyển đổi số, quy trình tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính được chuyển đổi dần theo phương thức trực tuyến. Cùng với đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính cũng được siết chặt, nâng cao hiệu quả hoạt động chính quyền địa phương, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Ông Nguyễn Thanh Vinh, Chủ tịch UBND xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) cho biết, để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số gắn kết chặt chẽ với xây dựng NTM cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, toàn thể người dân và doanh nghiệp. Định hướng sắp tới về công tác chuyển đổi số trên địa bàn xã, chính quyền địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, địa phương sẽ tích hợp hệ thống camera an ninh từ việc giám sát chuyển thành camera thông minh để phân tích, giám sát tình hình quản lý trật tự xã hội cũng như an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Một nội dung khác là tiếp tục đưa các sản phẩm trên địa bàn xã, nhất là các sản phẩm OCOP chủ lực lên sàn giao dịch điện tử.
Xã Bình Lợi cũng đã bước đầu phát triển xã hội số với việc triển khai các dịch vụ giáo dục thông minh với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giảng dạy với sự tham gia của nhà quản lý, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh… Về kinh tế số, Bình Lợi đang nỗ lực triển khai đưa các nông sản nổi bật, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của địa phương lên sàn thương mại điện tử; thúc đẩy các dịch vụ thanh toán điện tử trong người dân…