Nông nghiệp Đồng Nai tiếp tục triển khai chính sách thu hút đầu tư

Là địa phương nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, với hai mùa tương phản nhau là mùa nắng và mùa mưa, khí hậu ôn hòa; diện tích tự nhiên gần 6 ngàn km2, với gần 3,2 triệu dân sinh sống, tỉnh Đồng Nai đang trở thành vùng đất lành để phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Chủ trương phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra nhiều mục tiêu như: Phát triển tích hợp, đa ngành, có điều phối liên kết vùng, liên kết ngành gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng; tận dụng tối đa các cơ hội và lợi thế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế để thúc đẩy phát triển sản xuất, mở rộng thị trường nông sản.

Tái cơ cấu phục hồi mạnh mẽ sau dịch

Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành nông nghiệp Đồng Nai đang từng bước tái cơ cấu, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả để trở lại sau đại dịch.

Tỉnh đang tập trung nhân rộng 68 mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh đã triển khai nhân rộng trên 2.200 ha cây trồng, 151.000 vật nuôi, 15 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản. Tỉnh cũng đang xây dựng các chuỗi liên kết trong việc sản xuất, hợp tác trong sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản, với 181 chuỗi liên kết, có sự tham gia của 97 doanh nghiệp, 60 hợp tác xã và 31 cơ sở, hơn 12.540 hộ sản xuất, mang lại hiệu quả cao.

Theo ông Cao Tiến Sỹ- Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, trong năm 2022, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh đã dần được khôi phục, đến nay gần như khôi phục hoàn toàn. Hiện nhiều vùng sản xuất, trồng trọt tại Đồng Nai, với những đặc sản, hay thương hiệu nổi tiếng, cũng đang phát triển mạnh mẽ trở lại sau dịch COVID -19. Trong đó, có những sản phẩm như chôm chôm, măng cụt, mít tố nữ Long Khánh; dâu An Phước; sầu riêng Long Thành; bưởi Tân Triều.

Trong thời gian tới, để hỗ trợ các nhà đầu tư phát triển bền vững, Sở NN-PTNT Đồng Nai sẽ tập trung cho các giải pháp nhằm ổn định sản xuất tiến tới phát triển mạnh mẽ hơn, trong đó đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chế biến nông sản và xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản

Nhiều hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư

Để có nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Đồng Nai đề xuất nhà nước cần đa dạng hóa nguồn vốn thông qua khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân, các loại hình doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất tiếp cận các nguồn lực; đơn giản thủ tục cho thuê, chuyển nhượng đất đai; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân. 

Chú thích ảnh
Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng bưởi đạt năng suất cao của nông dân Đồng Nai. Ảnh: TTXVN

Nhiều chương trình, đề án hỗ trợ 

Thời gian qua, để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, tỉnh Đồng Nai đã ban hành các chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chính sách khuyến nông, chính sách thực hiện chuỗi liên kết; chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và triển khai hàng loạt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của Trung ương đã ban hành. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, qua đó đã tăng cường được các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. 

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục định hướng thu hút các doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về sản xuất, chế biến. Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho các hộ nông dân trên địa bàn. Xây dựng các dự án cánh đồng lớn để thực hiện việc liên kết giữa các doanh nghiệp với các hợp tác xã, hộ nông dân nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng phát triển bền vững. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; chính sách hỗ trợ thực hiện xây dựng các chuỗi liên kết; hỗ trợ thực hiện thực hành sản xuất nông nghiệp tốt đã được UBND tỉnh ban hành.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, ông Cao Tiến Sỹ khẳng định, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, tỉnh xác định cụ thể phương án phát triển ngành nông nghiệp với các yêu cầu như xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo tính ổn định lâu dài về đất đai nhằm kêu gọi, thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, sẽ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch và xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Cũng theo ông Sỹ, tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như đơn giản hóa thủ tục cho vay; sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sửa đổi, bổ sung chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên sâu. Hoàn hiện chính sách xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, tháo gỡ rào cản thương mại để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hoàn thiện chính sách dự báo thị trường; chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản; bổ sung, hoàn thiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp theo hướng mở rộng sản phẩm bảo hiểm, thủ tục tham gia thuận tiện. 

"Đặc biệt, trong quá trình thỏa thuận thuê, mua đất của doanh nghiệp và hộ nông dân, chính quyền chỉ nên đóng vai trò xúc tác, trung gian hỗ trợ để nông dân yên tâm khi cho thuê hay góp vốn vào doanh nghiệp, có như vậy, doanh nghiệp mới đủ diện tích để đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách khuyến kinh tế nông hộ trong nông nghiệp (thay vì chỉ khuyến khích doanh nghiệp) làm nông nghiệp công nghệ cao. Để làm được điều đó, rất cần có cơ chế chính sách đặc thù, ưu đãi hơn nữa để khuyến khích nông dân sẵn sàng đầu tư làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đây chính là khâu then chốt", Giám đốc sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ nhấn mạnh thêm. 

Thời gian tới, để có nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, tỉnh cũng kiến nghị nhà nước cần đa dạng hóa nguồn vốn thông qua khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân, các loại hình doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất nông nghiệp tiếp cận các nguồn lực; cần sớm xác lập quyền tài sản (nhà lưới, nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới tiêu) trên đất nông nghiệp để doanh nghiệp có cơ sở vay vốn; mở rộng và nới các tiêu chuẩn để các cơ sở sản xuất lĩnh vực này tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng.

Về đất đai, tỉnh đề xuất nhà nước cần đơn giản thủ tục cho thuê, chuyển nhượng đất đai; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân; khuyến khích nông dân góp vốn bằng ruộng đất vào doanh nghiệp.

Phúc Hằng
Ngành Nông nghiệp Đồng Nai tăng trưởng tốt dù đối mặt nhiều khó khăn
Ngành Nông nghiệp Đồng Nai tăng trưởng tốt dù đối mặt nhiều khó khăn

Năm 2022 có thể coi như là 1 năm cất cánh của ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai mặc dù bị ảnh hưởng nặng nên bởi hậu dịch COVID-19 và tác động của tình hình thế giới khiếm cho việc sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh cũng găp không ít khó khăn. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp không những đạt mà còn vượt mục tiêu đề ra với giá trị sản xuất nông lâm thuỷ sản được hơn 47 ngàn tỉ đồng, tăng 3,94% so với cùng kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN