UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 31/10/2022 của UBND tỉnh về thực hiện chương trình bình ổn giá, bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu năm 2022 - 2023, phục vụ Tết Nguyên đán năm 2023 và ứng phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch này được UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và đơn vị liên quan triển khai thực hiện; hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục đăng ký và tổng hợp đăng ký tham gia chương trình của doanh nghiệp; chủ trì, phối hợp các sở ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố theo dõi, kiểm tra kế hoạch dự trữ hàng hoá, hoạt động bán hàng.
Theo đó, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, giữ giá ổn định cho người dân, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Tài chính theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, giữ ổn định giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; phối hợp với các ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về giá trong việc không thực hiện niêm yết, kê khai, đăng ký giá đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá theo quy định.
Ngoài ra, Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cũng đã đề nghị Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra niêm yết giá và giá bán, đặc biệt tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom và bán giá bất hợp lý trong dịp Tết. Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường. Nếu trường hợp phát hiện khan hiếm đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thiết bị y tế, dược phẩm, xăng dầu, gas, hàng tiêu dùng, Sở Công thương đề nghị thông tin kịp thời về Sở để điều tiết hàng hóa.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn cần xây dựng kế hoạch nhằm dự trữ nguồn hàng, nhất là mặt hàng thiết yếu sẵn sàng cung ứng cho thị trường với giá hợp lý khi Tết đến, Xuân về.
Đối với Ban quản lý các Khu công nghiệp, tập trung thông tin, tuyên truyền đến các công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp về chương trình bình ổn giá để vận động nhiều doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa thiết yếu cùng với tỉnh; tiếp tục rà soát, cung cấp danh sách các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá thiết yếu trong các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và thông tin về Sở Công thương để tổng hợp, chủ động vận động nguồn hàng trong trường hợp cần thiết; tích cực phối hợp với các đơn vị bán lẻ đem hàng hóa bình ổn giá đến tận tay người lao động, công nhân trong các Khu công nghiệp..
Đối với các doanh nghiệp đang cam kết tham gia chương trình bình ổn giá của tỉnh, phải đảm bảo nguồn hàng đã đăng ký và sẵn sàng cung ứng khi thị trường có biến động về giá, sẵn sàng phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Đối với các địa phương chưa có đơn vị tham gia bình ổn giá, khẩn trương xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn hàng, làm việc với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đề nghị cam kết dự trữ hàng hóa tham gia bình ổn cho địa phương; sẵn sàng phối hợp với Sở Công thương để tiếp nhận, điều chuyển hàng hóa khi tình hình khan hiếm xảy ra.
Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố tổ chức thông tin, tuyên truyền về chương trình, doanh nghiệp và điểm bán bình ổn giá để người dân trên địa bàn biết đến mua sắm hàng hóa thiết yếu; hỗ trợ, bố trí địa điểm bán hàng phù hợp, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia tổ chức bán hàng cố định và lưu động trên địa bàn.