Áp lực cao, thu nhập thấp
Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (viết tắt là Khu bảo tồn) được UBND tỉnh Đồng Nai giao quản lý đất rừng, đất lâm nghiệp và hồ thủy điện Trị An với diện tích hơn 100.000 ha, trong đó gần 68.000 ha là diện tích rừng, hơn 32.000 ha là diện tích đất mặt nước hồ Trị An. Tuy nhiên, cả khu bảo tồn rộng lớn chỉ có 18 trạm kiểm lâm để quản lý và bảo vệ các diện tích đất rừng được giao.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm sinh thái, văn hóa lịch sử Chiến khu Đ (Khu bảo tồn) cho biết, cán bộ kiểm lâm ở khu bảo tồn ngoài thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị các di tích còn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quản lý rừng, quản lý bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản hồ Trị An. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, khối lượng công việc nhiều nên càng về sau lực lượng cán bộ càng giảm.
Nếu như trước đây, khu bảo tồn có khoảng 200 cán bộ chuyên trách thì theo thời gian do nhiều áp lực, địa bàn rộng và thu nhập không cao nên nhiều cán bộ trẻ có trình độ đại học đã nghỉ việc. Theo đó, Khu bảo tồn thiếu khoảng 50 biên chế so với chỉ tiêu được giao. Đợt 1 năm 2022, đơn vị đăng ký tuyển dụng 46 vị trí nhưng chỉ có 23 người nộp hồ sơ đăng ký và chỉ có 19 người đến phỏng vấn, thế nhưng cũng không tuyển được cán bộ ưng ý vì mức thu nhập không cao.
“Nguyên nhân khiến một số cán bộ trẻ nghỉ việc và không mặn mà với công việc giữ rừng xuất phát từ áp lực công việc cao, thu nhập lại khá thấp, chưa kể đã nhiều năm chưa được tăng lương… Ngoài ra, theo Nghị định 01/2019/NĐ-CP của Chính phủ, lực lượng kiểm lâm ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn phải chuyển thành lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Điều này càng khiến cho công tác quản lý bảo vệ rừng cũng như công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản của hồ Trị An tại Đồng Nai gặp khó khăn hơn”, ông Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ.
Vướng cơ chế chính sách
Ông Phạm Ngọc Vũ, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Di tích Trung ương Cục Miền Nam, Khu Bảo tồn cho biết, Nghị định 01 được Chính phủ ban hành còn nhiều bất cập khiến cho lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn bị dao động tư tưởng. “Số lượng cán bộ kiểm lâm trẻ xin nghỉ vẫn đang tiếp tục tăng. Khu Bảo tồn đang rất thiếu lực lượng chiến đấu giữ rừng. Vì vậy, khi áp dụng theo Nghị định 01 để chuyển lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thành bảo vệ rừng thì rừng ở đây khó có thể đảm bảo giữ nguyên rừng Đồng Nai".
Theo ông Phạm Ngọc Vũ, hiện nay lực lượng kiểm lâm rừng đặc dụng (thuộc ban quản lý) trực tiếp là người chiến đấu giữ rừng, bảo vệ rừng. Nhưng theo Nghị định 01, kiểm lâm rừng đặc dụng sẽ phải giải thể chuyển thành bảo vệ rừng chuyên trách, từ đó phát sinh nhiều bất cập như không có quyền thực thi pháp luật, không được sử dụng vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ khi chiến đấu với lâm tặc, trong khi các dụng cụ của lâm tặc ngày càng tinh vi.
"Có thể thấy, nếu cán bộ kiểm lâm Khu bảo tồn chuyển thành bảo vệ rừng thì sức mạnh trấn áp lâm tặc sẽ yếu hơn, công tác giữ rừng không hiệu quả, thậm chí không có tác dụng và rừng có nguy cơ bị xâm hại rất lớn. Trong khi đó, các tỉnh xung quanh rừng Đông Nai đã hết rừng. Mặt khác, bình quân anh em kiểm lâm rừng đặc dụng có phụ cấp 2 triệu đồng/tháng, nếu chuyển thành bảo vệ thì mất phụ cấp này, như vậy cũng gây tâm lý hoang mang cho anh em cán bộ bảo vệ rừng", ông Phạm Ngọc Vũ lo lắng.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hoàng Nam, mặc dù lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Khu Bảo tồn rất quan tâm sâu sát để gỡ vướng những cơ chế chính sách cho anh em cán bộ kiểm lâm, tuy nhiên các chính sách này vẫn đang khiến các cán bộ khó yên tâm công tác. “Vì vậy, chúng tôi hy vọng thời gian sắp tới, các cấp chính quyền có thể cải thiện thu nhập của những người làm công tác bảo tồn, đặc biệt những anh em kiểm lâm ở khu bảo tồn cũng như có cơ chế để cho anh em an tâm công tác”, ông Nguyễn Hoàng Nam bày tỏ.
“Nếu chỉ giữ kiểm lâm quản lý hành chính cấp huyện thì công tác chiến đấu giữ rừng tại gốc sẽ mất tác dụng”, ông Phạm Ngọc Vũ kiến nghị.
Tuy nhiên, trước mắt để bảo vệ rừng hiệu quả, hàng năm các Hạt kiểm lâm tại rừng Đồng Nai cũng đã tham mưu trực tiếp cho Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Trên cơ sở đó, các trạm kiểm lâm lập kế hoạch bảo vệ rừng hàng tháng, tổ chức lực lượng kiểm lâm tuần tra cả ngày lẫn đêm những khu vực trọng yếu và có nguy cơ xâm hại.