Thực hiện lời hứa với cử tri
Hàng trăm ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri được các đại biểu Hội đồng nhân dân lắng nghe, tiếp thu tại các buổi tiếp xúc và nhanh chóng được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Nhiều thắc mắc, phản ánh của cử tri được các đại biểu làm rõ ngay tại những buổi tiếp xúc. Đây là một trong những hoạt động nổi bật của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ trong thời gian gần đây, qua đó đã củng cố lòng tin của nhân dân đối với các đại biểu dân cử.
Trước kia, khi chưa có sóng điện thoại, cứ mỗi khi có công việc chung là anh Hà Văn Dũng, Bí thư Chi bộ khu Sinh Dưới (xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn) lại phải đến từng hộ dân để thông báo, phổ biến các nội dung, hoạt động tới bà con. Công việc của trưởng khu cũng vì thế gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhưng hiệu quả lại không cao. Kể từ tháng 5/2023, khi chính thức “đón sóng” về bản, đời sống của 65 hộ dân người dân tộc Dao ở Sinh Dưới như bước sang trang mới. Bà con không phải đi ra khu vực trung tâm để "đón sóng", gọi điện thoại nữa. Không chỉ được nắm bắt kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, người dân Sinh Dưới giờ đây đã có điều kiện để nâng cao chất lượng hưởng thụ thông tin, cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất.
Anh Hà Văn Dũng cho biết, sau khi tiếp nhận ý kiến của cử tri xã Khả Cửu, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã chuyển đến cơ quan có thẩm quyền, ngay lập tức UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai kế hoạch đầu tư, xây dựng hạ tầng số tại 2 khu Sinh Dưới và Sinh Trên. Tháng 5/2023, Viễn thông Phú Thọ đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt 1 trạm thu, phát sóng di động, 1 điểm cung cấp dịch vụ băng rộng cố định với hơn 10 km cáp quang và cột bê tông, tổng kinh phí đầu tư gần 2 tỷ đồng. Dự kiến, cuối năm 2023, Viễn thông Phú Thọ và Viettel Phú Thọ sẽ xây dựng thêm 2 trạm phát sóng di động tại khu Sinh Trên, lắp đặt thêm 1 trạm tại khu Sinh Dưới đảm bảo cung cấp dịch vụ thông tin di động và internet cố định cho người dân vùng dân tộc thiểu số.
Tại xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ, do ảnh hưởng trong quá trình thực hiện dự án Khu công nghiệp Phú Hà, một số diện tích đất nông nghiệp tại các khu vực quanh Khu công nghiệp bị ngập úng, sạt lở đất khiến nhân dân không canh tác được. Cử tri đã kiến nghị các cấp, ngành xem xét, có giải pháp khắc phục. Ngay khi tiếp nhận ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã giao UBND thị xã Phú Thọ kiểm tra, rà soát việc thực hiện dự án Khu công nghiệp Phú Hà và các khu tái định cư của dự án. Kết quả kiểm tra xác định có 19 hộ dân bị ảnh hưởng. Theo kết quả làm việc thống nhất giữa các bên liên quan, Tổng Công ty Vigracera, chủ đầu tư Khu công nghiệp Phú Hà, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Phúc, đơn vị thi công hạ tầng các khu tái định cư có trách nhiệm hỗ trợ các hộ dân 2 triệu đồng/sào/năm và có biện pháp khắc phục trả lại hiện trạng đất như ban đầu. Đến nay, 19 hộ dân đã được hỗ trợ kinh phí để khắc phục ảnh hưởng đối với diện tích nông nghiệp.
Ở xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, hệ thống kênh mương thủy lợi ở các khu Chuôi, Măng Chẵng, Bãi Lau, Cầu Chùa đã xuống cấp, người dân canh tác gặp khó khăn. Ngay khi tiếp thu kiến nghị của cử tri, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ bố trí kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp các tuyến kênh. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Công ty rà soát, lập kế hoạch sửa chữa trong quý IV năm 2023 đảm bảo phục vụ sản xuất cho người dân.
Theo Thường trực Hội đồng nhân tỉnh Phú Thọ, nhờ đổi mới phương thức, cách thức tổ chức, tại các buổi tiếp xúc đã có rất đông cử tri tham dự. Chỉ tính năm 2022, các cuộc tiếp xúc đã thu hút tổng sô trên 8.000 cử tri, trong đó có trên 750 cử tri phát biểu với trên 670 kiến nghị. Qua phân loại có 230 ý kiến thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh và hầu hết các ý kiến, kiến nghị đều được giải quyết, xử lý kịp thời. Sáu tháng đầu năm 2023, ngay sau khi tiếp thu ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc trước và sau kỳ họp trước, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị xử lý và giải quyết được 58 kiến nghị.
Bên cạnh đó, ngay tại các điểm tiếp xúc cử tri, đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh và chính quyền cấp huyện đã tham gia giải thích, trả lời trực tiếp nhiều vấn đề phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Các vấn đề vượt thẩm quyền đều được các Tổ đại biểu báo cáo tổng hợp gửi Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết và trả lời cử tri tại kỳ họp tiếp theo.
Để đạt được kết quả trên, mỗi đợt tiếp xúc cử tri đều có từ 2-3 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp xúc với cử tri tại nơi ứng cử. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh cũng tổ chức hàng chục buổi tiếp công dân để nghe phản ánh, kiến nghị của cử tri và tiếp nhận khiếu nại, tố cáo của công dân. Nhiều vụ việc "nóng", nhạy cảm liên quan đến tranh chấp về quyền sử dụng đất, vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất để thực hiện dự án, tình trạng ô nhiễm, khai thác tài nguyên trái phép cũng được Hội đồng nhân dân chỉ đạo xử lý và giải quyết. Việc giải quyết kịp thời các nội dung kiến nghị của cử tri đã củng cố lòng tin của nhân dân đối với các đại biểu dân cử.
Đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri
Theo ông Bùi Minh Châu, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, để chủ động trong công tác tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, ban hành kế hoạch, đề cương tiếp xúc cử tri; yêu cầu các Tổ đại biểu phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thị xã, thành phố tổ chức cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp xúc cử tri.
Các kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp đều được tổng hợp đầy đủ, kịp thời gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan có trách nhiệm trả lời. Các điểm tiếp xúc cử tri được bố trí hợp lý, thuận tiện; không khí tiếp xúc dân chủ, thẳng thắn, nội dung tiếp xúc có trọng tâm, trọng điểm.
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc đại biểu mời trả lời, phân tích làm rõ đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao. Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri đã tạo được mối liên hệ gần gũi giữa đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh với cử tri, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, hiện nay thành phần được mời ở các hội nghị tiếp xúc cử tri phần đông là cán bộ, công chức của xã, cán bộ khu, cán bộ hưu trí và một bộ phận cử tri có vấn đề bức xúc cá nhân. Do vậy, phần lớn các ý kiến, kiến nghị chủ yếu tập trung vào việc đề nghị xây dựng các công trình như: Đường giao thông, điện, môi trường, giải tỏa đền bù; các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức hoặc những khiếu nại, tố cáo cá nhân hoặc nêu lại các ý kiến cũ… nên chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của cử tri trong việc đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương, giải pháp lớn hoặc bàn bạc, hiến kế cho chính quyền hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Cá biệt có nơi, cử tri lợi dụng “diễn đàn” để trình bày những khiếu kiện của cá nhân làm mất nhiều thời gian của buổi tiếp xúc.
Việc tiếp xúc cử tri cũng chưa tổ chức được nhiều theo từng lĩnh vực hoặc riêng đối tượng cụ thể mà mới chủ yếu tập trung ở các trung tâm cụm xã, chưa chú trọng tiếp xúc tại các khu dân cư. Tại mỗi điểm tiếp xúc cử tri thường có từ 2,3 đại biểu HĐND trở lên tham dự, dẫn đến số điểm tiếp xúc không nhiều, số lượng cử tri tham dự tiếp xúc còn hạn chế. Một số nội dung trả lời kiến nghị của cử tri còn chung chung, không nêu các giải pháp và xác định thời gian cụ thể thực hiện các kiến nghị, chưa đáp ứng nguyện vọng của cử tri, còn có vấn đề để cử tri kiến nghị nhiều lần mà không được giải quyết.
Theo Thường trực Hội đồng nhân dân, để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc, nâng cao hiệu quả giải quyết ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục đổi mới trong hoạt động điều hành, có giải pháp giải quyết kiến nghị tiếp xúc cử tri có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện bất cập trong thực tiễn, có kiến nghị cơ quan chức năng trong điều hành, tổ chức thực hiện đảm bảo linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả. Đồng thời, Hội đồng nhân dân tỉnh nâng cao vai trò giám sát, trực tiếp đến cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thường xuyên giữ mối liên hệ giữa đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh với cử tri; tăng cường phối hợp có hiệu quả với UBND, Ủy ban MTTQ các cấp và cơ quan hữu quan, bảo đảm các nội dung được trả lời, giải quyết đúng quy định của pháp luật, có chất lượng, mang lại hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, các địa điểm tiếp xúc cũng sẽ được thường xuyên thay đổi để cử tri, nhân dân có điều kiện tham gia. Tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân tỉnh sẽ có lãnh đạo UBND cấp huyện, cấp xã tham dự để tiếp thu, trực tiếp trả lời các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của mình. HĐND tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, trong đó lựa chọn một hoặc hai chuyên đề nhiều người quan tâm, những vấn đề bức xúc cần giải quyết; vận động nhiều cử tri là người lao động ở các thành phần, giới, lứa tuổi cùng tham dự; tránh tình trạng cử tri chỉ tập trung phản ánh những vấn đề liên quan đến quyền lợi cá nhân.
Thường trực Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri…