Thanh toán trực tuyến là nền tảng quan trọng
Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Cà Mau về việc chuyển đổi số, thanh toán số, tiến tới xu hướng thanh toán không cần tiền mặt để đảm bảo an toàn, nhanh chóng khi mua bán, từ tháng 4/2022, UBND Phường 5, thành phố Cà Mau đã phối hợp với Viettel triển khai dự án “Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt”. UBND Phường 5 cho biết, khách hàng thanh toán tại khu vực chợ sẽ không cần dùng tiền mặt, hướng tới sự nhanh chóng và thuận lợi trong kinh doanh, mua bán. Đây được xem là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung; đồng thời, tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, làm quen và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại…
Ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau nhận định, lời giải cho bài toán làm thế nào để đưa kinh tế số, xã hội số đến với người dân chính là nền tảng thanh toán trực tuyến - chìa khóa quan trọng cần được phát triển nhanh, phổ biến rộng rãi.
Hiện nay, toàn tỉnh đã cung cấp 92 dịch vụ công mức độ 3, 254 thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công mức độ 4. Tất cả các dịch vụ công ở mức độ này đều đã tích hợp, kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đồng thời, các dịch vụ thanh toán trực tuyến được tích hợp tạo nên hệ thống hoàn chỉnh. Tuy nhiên, việc thanh toán trực tuyến của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong các dịch vụ công vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Năm 2021, chỉ có 37/307 thủ tục kết nối thanh toán trực tuyến, chiếm 12,05%.
Cà Mau có hơn 1,2 triệu dân, trong đó gần 40% dân số trong độ tuổi vị thành niên và trên 65 tuổi. Đây cũng là đối tượng hạn chế tiếp cận với công nghệ thông tin. Từ đó dẫn đến tỷ lệ giao dịch bằng hình thức trực tuyến thấp trên số dân. Tỷ lệ thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến tăng nhiều trong vài năm trở lại đây nhưng vẫn còn khá nhiều người dân chọn hình thức trực tiếp. Bên cạnh đó, nền tảng về công nghệ có lúc, có nơi chưa được đảm bảo. Quá trình giao dịch nhiều lúc chưa thật sự thông suốt, dẫn đến việc thanh toán trực tuyến bị gián đoạn.
Thực tế, việc triển khai thanh toán trực tuyến tại Bộ phận "Một cửa" cấp huyện, cấp xã chưa đảm bảo khiến người dân chưa tiếp cận được nhiều với hình thức thanh toán này. Giám đốc Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hồ Chí Linh lý giải, hiện nay, mỗi cơ quan chuyên môn đều có ứng dụng riêng để thực hiện thanh toán thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đó. Mặt tích cực cho điều này là người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn khi giao dịch. Tuy nhiên, đây lại là cản trở cho người dân, doanh nghiệp khi không biết phải sử dụng ứng dụng nào thay vì dùng thống nhất trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Từ đó, dẫn đến khó khăn cho cán bộ một cửa các cấp trong công tác hướng dẫn người dân khi thực hiện thanh toán dịch vụ công.
Ông Hồ Chí Linh cho biết thêm, để góp phần tháo gỡ những vướng mắc trên, việc tích hợp và chia sẻ dữ liệu về thanh toán dịch vụ công một cách đồng bộ và thống nhất giữa các loại dịch vụ là cần thiết. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc lựa chọn và thực hiện các loại dịch vụ công mà còn ở các loại dịch vụ hành chính, dịch vụ sự nghiệp và các loại hình dịch vụ công ích khác...
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đánh giá: Chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản trị nội bộ mà còn mở ra những cơ hội tiếp cận khách hàng toàn cầu, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ, sáng tạo ra sản phẩm dịch vụ mới, tăng trưởng doanh thu với các mô hình kinh doanh mới.
Ông Huỳnh Quốc Việt nhấn mạnh: Tỉnh Cà Mau luôn tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy giá trị đổi mới sáng tạo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Tuy nhiên, đến nay, nhiều trường hợp doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng, lợi ích mang lại từ chuyển đổi số nên chưa có sự quan tâm thỏa đáng trong triển khai thực hiện, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Để thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số, tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện lĩnh vực này. Đồng thời, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn, tiếp tục ổn định việc làm, duy trì sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; khuyến khích, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận, sử dụng ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Dấu mốc quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong những năm tới là việc VNPT Cà Mau và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau đã ký thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số; từ đó đồng hành cùng các ngành chức năng của tỉnh, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số nhanh chóng hơn, mạnh mẽ hơn.
Ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cho rằng,Tập đoàn đã đồng hành cùng Chính phủ hiện thực hóa đề án Chính phủ điện tử; trong đó có việc xây dựng những nền tảng dùng chung quy mô cấp quốc gia, xây dựng chính quyền điện tử tại các địa phương và kiến tạo thành phố thông minh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Với nền tảng vững chắc đó, Tập đoàn chắc chắn sẽ cung cấp và triển khai nhiều giải pháp công nghệ thông tin phù hợp, hiệu quả cho tỉnh Cà Mau.
Ông Lê Hoàng Phước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, Hiệp hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng các ngành chức năng của tỉnh, hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số nhanh chóng hơn, mạnh mẽ hơn. Hiệp hội có thể nắm bắt kịp thời những khó khăn của doanh nghiệp để hỗ trợ lựa chọn được những giải pháp phù hợp nhất. Đây sẽ là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của tỉnh được đồng bộ, hiệu quả trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.