Vĩnh Phúc đặt mục tiêu trong năm 2021 có 60% số người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, mai táng phí, tử tuất… sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị.
Theo đó, tỉnh yêu cầu Bảo hiểm xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông tuyên truyền, vận động, khuyến khích phát triển người nhận chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân (thẻ ATM).
Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích đơn vị sử dụng lao động thanh toán chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội một lần cho người lao động... qua tài khoản cá nhân của người lao động. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử và sử dụng chữ ký số trong trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội với Ngân hàng, Bưu điện để đạt chỉ tiêu thanh toán qua tài khoản cá nhân...
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân.
Bưu điện tỉnh phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai kế hoạch sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong quá trình chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp hàng tháng. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các ngân hàng thương mại đầu tư cơ sở hạ tầng, sắp xếp hợp lý mạng lưới ATM nhằm tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ thẻ ngân hàng, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, khu công nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với cơ quan truyền thông tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về thanh toán không dùng tiền mặt đến tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Ngành chức năng, cơ quan, đơn vị phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bưu điện tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh triển khai hỗ trợ mở tài khoản cho người nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp...
Tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị.
Hướng tới mục tiêu “Kho bạc số”, Kho bạc Nhà nước tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ như: Triển khai hệ thống thông tin quản lý ngân sách; hiện đại hóa quy trình thu nộp ngân sách Nhà nước (TCS); thanh toán điện tử liên kho bạc; thanh toán liên ngân hàng; thanh toán điện tử song phương…; niêm yết công khai thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ tại nơi giao dịch. Kho bạc Nhà nước tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm 100% sử dụng ngân sách có giao dịch chứng từ với Kho bạc qua dịch vụ công trực tuyến, góp phần làm cho hoạt động của cơ quan Nhà nước minh bạch, hiệu quả hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn...
Ngành Thuế Vĩnh Phúc chủ động triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm vận hành bộ máy quản lý thông suốt, thuận lợi để người nộp thuế đóng góp cho ngân sách nhà nước. Trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, ngành Thuế đã đơn giản hóa, rút gọn quy trình quản lý, giảm số giờ thực hiện thủ tục hành chính của người nộp thuế. Nhờ đó 100% doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện kê khai, hoàn thuế qua mạng internet.
Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chủ động hướng dẫn doanh nghiệp về thủ tục đăng ký hóa đơn điện tử. Hóa đơn điện tử được xem như là một phương thức và giải pháp hiệu quả thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển. Đây cũng là giải pháp giúp ngành Thuế thực hiện việc quản lý thuế tốt hơn...