Theo thống kê, tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tăng lên so với thời điểm cuối tháng 12/2020. Nguyên nhân do vào thời điểm này, dịch COVID-19 lần thứ ba tái bùng phát trong cộng đồng ảnh hưởng lên đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Nhằm giảm tỷ lệ nợ đọng, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành đến các doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ, vận động doanh nghiệp đang sử dụng và trả lương cho người lao động thực hiện theo quy định của pháp luật về đóng BHXH hàng tháng. Đối với doanh nghiệp dừng hoạt động, BHXH kiến nghị với cơ quan liên quan kiểm tra, nếu chây ỳ sẽ tiến hành xử phạt hành chính, gửi hồ sơ sang các cơ quan công an, kiểm sát khởi tố.
Bên cạnh đó, việc xử lý đối với đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn còn khó khăn, vướng mắc.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, trong 2 tháng đầu năm 2021, Hiện BHXH Việt Nam đã gửi hồ sơ của 300 doanh nghiệp cố tình chây ỳ đến cơ quan kiểm sát, công an. Nhiều doanh nghiệp trong số này đã tự giác chấp hành đóng BHXH cho người lao động. Những doanh nghiệp cố tình chây ỳ, cơ quan công an sẽ củng cố hồ sơ, gửi sang Viện Kiểm sát để khởi tố theo quy định của pháp luật.
Theo BHXH Việt Nam, đến hết tháng 2/2021, số người tham gia BHXH là 16,23 triệu người (đạt 32,58% lực lượng lao động trong độ tuổi), trong đó có 14,98 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và 1,05 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Số người tham gia bảo hiểm y tế là 86,5 triệu người (đạt tỷ lệ bao phủ 88,65% dân số).
Đến hết tháng 2/2021, toàn ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng mới BHXH cho trên 1,56 triệu người, trong đó, số người hưởng hằng tháng là 11.510 người; hưởng BHXH một lần là 110.525 người; hưởng chế độ ốm đau hơn 1,15 triệu người; hưởng chế độ thai sản là 237.050 người… Số người giải quyết hưởng mới bảo hiểm thất nghiệp là 82.137 người.