Bà Đinh Thị Xuân Hương, nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái trao đổi với phóng viên TTXVN. Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN
Nội dung này được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm theo dõi, bày tỏ đồng thuận với chủ trương của Đảng và gửi gắm nhiều nguyện vọng.
* Chủ trương lớn mang tầm nhìn chiến lược
Yên Bái là vùng đất có bề dày lịch sử 125 năm. Ngày 3/1/1976, ba tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ (trừ hai huyện Bắc Yên và Phù Yên chuyển thuộc tỉnh Sơn La) và Lào Cai được hợp nhất thành lập tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Sau 15 hợp nhất, năm 1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn được chia thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Các huyện Than Uyên, Văn Bàn và Bảo Yên trước đây thuộc tỉnh Yên Bái chuyển thuộc tỉnh Lào Cai.
Tới đây, theo định hướng của Trung ương, Yên Bái là một trong những địa phương thực hiện việc sáp nhập địa giới hành chính với tỉnh Lào Cai. Chủ trương này không đơn thuần chỉ là tinh gọn bộ máy quản lý mà còn mang tầm nhìn chiến lược.
Bà Đinh Thị Xuân Hương, nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái cho biết, việc sáp nhập địa giới hành chính không chỉ là vấn đề hành chính cơ học mà đó là quy hoạch vùng; sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đó là tầm nhìn chiến lược.
Bà Đinh Thị Xuân Hương chia sẻ, đối với tỉnh Yên Bái và Lào Cai, hai địa phương được sáp nhập với nhau có khá nhiều điểm tương đồng. Hai địa phương này đều có dải dất chạy dọc bờ sông Hồng, có sự liên thông, liên kết về mặt văn hóa, chính trị, xã hội trong nhiều năm. Điều kiện đó giúp địa phương mới sau này phân bổ các nguồn lực một cách hiệu quả. Đặc biệt, sau sáp nhập hai địa phương có điều kiện phát huy thế mạnh, cụ thể như Yên Bái phát huy về mặt văn hóa, lịch sử, còn Lào Cai phát huy thế mạnh kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch. Các yếu tố đó giúp cho tỉnh mới sau này phát triển một cách toàn diện hơn.
“Trong lần sáp nhập này, tôi nhìn thấy tính nhân văn bởi việc sáp nhập các tỉnh sẽ giúp cho những tỉnh có quy mô nhỏ, khó thu hút đầu tư có điều kiện phát triển hơn. Có thể thấy, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng bộ máy chính quyền địa phương hai cấp là chủ trương lớn mang tính cách mạng cao được hiện thực hóa trong đời sống. Hy vọng rằng với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và sự quyết tâm của hơn 100 triệu dân cuộc cách mạng được thực hiện thành công để người dân được hưởng lợi tính hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy mới ”, nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thành phố Yên Bái nhấn mạnh.
* Lựa chọn cán bộ có năng lực
Ông Phạm Văn Định, ở xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) cảm thấy phấn khởi và đặt niềm tin tưởng lớn lao vào công cuộc đổi mới quan trọng của đất nước, đánh dấu bước chuyển mình trong giai đoạn mới. Ông kỳ vọng rằng, bộ máy mới sau này sẽ có những cán bộ thực sự có năng lực, nhiệt huyết và trách nhiệm để gần dân, sát dân và phục vụ dân.
Ông Đặng Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) cho rằng, Đề án về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương lớn. Nội dung này phù hợp với tiến trình phát triển của lịch sử trong giai đoạn hội nhập quốc tế khu vực. Tuy nhiên, việc triển khai nhiệm vụ ban đầu còn bỡ ngỡ trong tâm tư suy nghĩ của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ông Đặng Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) cho rằng cần lựa chọn cán bộ đủ phẩm chất, trình độ và năng lực để gánh vác nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN
Nhưng thực tế việc sắp xếp bộ máy đem lại hiệu quả tích cực bởi sẽ lựa chọn được đội ngũ cán bộ có trình độ năng lực, chuyên môn tốt để thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong công tác chuyển đổi số. Từ đó, nhân dân thực hiện thủ tục hành chính ngay tại cơ sở một cách thuận lợi và có kết quả nhanh nhất. Ngoài ra, khi bỏ cấp huyện sự chỉ đạo sẽ được thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã, giảm bớt thời gian và đổi mới vai trò cán bộ, đảng viên trong giai đoạn đất nước vươn mình, bước vào kỷ nguyên mới.
Bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Bình cho biết thêm, đối với công tác chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng và Bầu cử đại biểu Quốc hội Khoá XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, nhiệm kỳ mới này cán bộ, đảng viên thị trấn Yên Bình kỳ vọng vào đường lối chủ trương chính sách mới của Đảng, nhất là việc tinh gọn sắp xếp lại bộ máy chính quyền. Những giải pháp trọng tâm trong việc chuẩn bị công tác nhân sự của thị trấn như: khi lựa chọn các đồng chí trong Ban Chấp hành phải đảm bảo trình độ, năng lực, sức khỏe và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; việc chuẩn bị cho Đại hội cần đảm bảo tính an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.