Bà Lê Thị Thu Trà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN
* Những đột phá cho sự phát triển đất nước trong tình hình mới
Bà Lê Thị Thu Trà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp là một chủ trương sáng suốt của Đảng, đáp ứng yêu cầu có những đột phá cho sự phát triển đất nước trong tình hình mới, nhận được sự đồng thuận cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân.
Tâm đắc với ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, bà Lê Thị Thu Trà cho rằng, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ người dân tốt hơn trước sẽ là một cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức, không chỉ góp phần tiết kiệm ngân sách mà còn góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc của hệ thống chính trị; nâng cao năng lực, chất lượng làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Bà Lê Thị Thu Trà cho rằng, đề án tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là rất đúng đắn, nhưng vấn đề làm sao phải xây dựng được cơ chế, cơ sở pháp lý chặt chẽ, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn để cấp tỉnh, thành phố chỉ đưa ra những sách lược chủ trương lớn, còn cấp xã có sự tự chủ cao hơn, linh hoạt hơn, triển khai hoạt động một cách hiệu quả, đúng như mục tiêu của đề án và phù hợp với mong muốn của người dân. Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư phù hợp về cơ sở vật chất hoạt động cho hệ thống chính quyền cơ sở, như sớm hoàn thiện đồng bộ cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan chức năng liên quan, hoàn thiện và liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia…
Cũng theo bà Lê Thị Thu Trà, với việc tổ chức chính quyền hai cấp, không còn hệ thống cấp huyện sẽ ảnh hưởng đến lực lượng cán bộ, nhất là những người đang làm việc trong hệ thống chính quyền cấp huyện. Nhưng đây cũng là việc làm cần thiết để chúng ta sắp xếp lại đội ngũ cán bộ một cách hợp lý, lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn, có năng lực và ý thức công hiến. Để đảm bảo công tác này được thực hiện một cách khoa học, khách quan và chính xác, rất cần xây dựng một bộ quy chuẩn tiêu chí cán bộ mang tính định lượng cụ thể tại mỗi vị trí công việc, mỗi cơ quan, đơn vị cụ thể.
Là một cán bộ có nhiều năm công tác tại hệ thống Mặt trận, bà Lê Thị Thu Trà cho rằng, chủ trương giao các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng vào trực thuộc MTTQ Việt Nam là rất phù hợp với thực tế cơ sở, nhất là ở cấp xã, giải quyết được sự thiếu tính thống nhất trong hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội. Việc sắp xếp về một đầu mối thống nhất sẽ góp phần giúp các hoạt động tại cơ sở không còn bị ảnh hưởng bởi thành tích của mỗi đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội mà sẽ quy tụ về một mục tiêu lớn là vì quyền lợi của nhân dân.
Liên quan đến việc sắp xếp các tỉnh, không tổ chức cấp huyện, gắn với phân cấp, phân quyền, đặc biệt là cấp xã mới, ông Lư Khánh Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn ủng hộ và bày tỏ tin tưởng đây là chủ trương đúng đắn trong thực tiễn hiện nay. Bởi trong mỗi giai đoạn cần xây dựng “bộ máy” hoạt động phù hợp, nhất là sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, hay trong giai đoạn đất nước đổi mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc nhằm đảm hiệu năng, hiệu quả trong hoạt động, phục vụ nhân dân.
“Việc không tổ chức cấp huyện, gắn với phân cấp, phân quyền không chỉ làm tinh gọn bộ máy, tinh lọc các cán bộ phục vụ cho nhân dân tốt hơn mà còn rút ngắn được rất nhiều quy trình, công đoạn, các trình tự, thủ tục hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn; đồng thời, mở ra triển vọng mới trong phát triển đất nước với tầm nhìn lâu dài trong thời gian tới…”, ông Thành nhấn mạnh.
Với công tác cán bộ, khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp cần đánh giá, phân loại lại đội ngũ cán bộ công chức của toàn bộ hệ thống các cơ quan hành chính cấp tỉnh và cấp cơ sở. Theo ông Thành, những ai làm việc được thì phải giữ lại và bố trí vào các vị trí việc làm của bộ máy mới.
Những ai không phù hợp với mô hình của bộ máy mới và yêu cầu, nhiệm vụ mới thì giải quyết chế độ chính sách theo quy định. Người cán bộ mới đòi hỏi không chỉ có năng lực, trình độ, nghiệp vụ chuyên môn mà cần có kinh nghiệm, năng động, linh hoạt, sáng tạo; biết nhận diện, tổng hợp, phân tích, đánh giá, có tâm, thích ứng và có tầm xa…
Ông Lư Khánh Thành, Phó Chủ tịch LĐLĐ Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Về sắp xếp các cơ quan của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ vào trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Lư Khánh Thành cho đây cũng là vấn đề then chốt trong quá trình tinh gọn. Song mỗi cơ quan, đơn vị có vai trò, trách nhiệm, chức năng nhiệm vụ và đối tượng riêng cần được đảm bảo vai trò, hoạt động trên cơ sở vừa bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.
* Đảm bảo cấp cơ sở thực sự gần dân, sát dân
Bà Hồ Kim Liên, đảng viên, Nhà giáo Nhân dân ở phố Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh bộ máy nhà nước đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số thì nhiều hoạt động hoạt động hành chính truyền thống đã được số hóa và triển khai thực hiện trên môi trường mạng, không phụ thuộc vào ranh giới địa giới hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên.
Để chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động hiệu quả cần hoàn thiện thể chế, chính sách xây dựng nền hành chính Nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, bảo đảm công khai, minh bạch, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Đồng quan điểm này, bà Phạm Tâm Hiếu, đảng viên trú tại phố Hàm Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, phải đảm bảo cấp cơ sở thực sự gần dân, sát dân. Cấp cơ sở phải được phân quyền nhiều hơn, thực hiện rất nhiều nhiệm vụ liên quan đến người dân.
Do đó cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Nghiên cứu, triển khai các biện pháp đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin.