Hiện nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đang ứng trực tại các địa điểm xung yếu để vận động, hỗ trợ kịp thời người dân.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, từ tối 27/11 đến ngày 30/11, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa cả đợt phổ biến từ 100-130 mm, lượng mưa đo được tại các trạm đo mưa như sau: Trạm Cư San (huyện M’Drắk) 397,4 mm, Trạm Hòa Phong (huyện Krông Bông) 345,2 mm, Trạm Cư Yang (huyện Ea Kar) 288,8 mm. Mưa to đã gây ngập lụt ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các huyện: M’Drắk, Ea Kar, Krông Bông. Đặc biệt, tại các xã Hòa Phong và Hòa Lễ (huyện Krông Bông) đã xảy ra sạt lở đất khiến nhiều ngôi nhà bị vùi lấp, hư hỏng.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại xã Hòa Phong vào chiều 30/11, nhiều ngôi nhà đã đổ nát, cây cối gãy nằm la liệt. Dưới cơn mưa nặng hạt, cán bộ và người dân địa phương cùng chung tay hỗ trợ các gia đình bị sập nhà do sạt lở đất. Do trận sạt lở đất vào đêm 29/11, ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Ngọc Bích ở thôn 2, xã Hòa Phong đã trở thành đống đổ nát. Chưa hết bàng hoàng, chị Bích kể lại: Từ 15 giờ ngày 29/11, thấy đất từ trên núi sau nhà có dấu hiệu sạt lở, gia đình chị đã dời đồ đạc sang nhà họ hàng gần đó gửi.
Đến 21 giờ cùng ngày, đất đổ xuống ầm ầm, vợ chồng chị Ngọc dắt theo 3 con chạy ra ngoài. "Chỉ trong phút chốc, ngôi nhà sập hoàn toàn. Giờ không có chỗ nương thân, trời vẫn mưa gió nên 5 người gia đình tôi phải đi ở nhờ nhà họ hàng", chị Bích cho biết.
Cùng chung cảnh ngộ là chị Ngọc Thị Phượng, nhà cạnh chị Bích. Gia đình chị Phượng thuộc diện hộ nghèo, vụ sạt lở đất cũng đã "vùi lấp" hi vọng thoát nghèo của gia đình chị. Giờ đây, cả gia đình chị Phượng chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ chính quyền địa phương để sớm vượt qua cơn hoạn nạn này.
Trong trận lở đất đêm 29/11, ngôi nhà của gia đình anh Võ Thanh Long (thuộc diện hộ nghèo) ở thôn 4, xã Hòa Lễ bị sạt hơn một nửa, gia đình anh Long đã chuyển sang ở nhờ nhà họ hàng cách đó 500m. Đây là lần thứ 3, nhà anh Long bị hư hỏng do sạt lở đất. Lần đầu tiên vào năm 2015, sạt lở cũng xảy ra vào buổi đêm, may mắn là cả gia đình thoát chết trong gang tấc. Lần thứ 2 vào năm 2017 và lần này cả gia đình đã sớm bồng bế nhau đi ở nhờ từ sớm nên thoát nạn...
Theo báo cáo của UBND huyện Krông Bông, lượng mưa từ ngày 28/11 đến ngày 30/11 phổ biến từ 180 - 320 mm. Mưa to đã khiến mực nước trên sông Krông Bông dâng cao, một số địa phương xuất hiện tình trạng sạt lở đất khiến 7 nhà dân bị hư hỏng nặng và 17 nhà có nguy cơ bị ảnh hưởng phải di dời. Cụ thể, tại xã Hòa Lễ có 3 điểm sạt lở đất tại thôn 3, thôn 4 và thôn 8 làm hư hỏng 3 nhà dân; tại xã Hòa Phong có 1 điểm sạt lở tại thôn 2 khiến 4 nhà dân hư hỏng nặng, trong đó 3 nhà sập hoàn toàn.
Ông Lê Minh Phòng, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong cho biết, khu vực này đang có nguy sạt lở rộng hơn, vì vậy UBND xã Hòa Lễ và lực lượng chức năng đã kiểm tra, thực hiện di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Ngay khi biết thông tin sạt lở đất trên địa bàn, lãnh đạo xã cùng các lực lượng chức năng xuống hiện trường hỗ trợ người dân đi dời tài sản đến nơi an toàn; tặng mỳ ăn liền và nước uống cho các hộ dân bị sập nhà.
Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long cho biết: Trước tình trạng sạt lở đất, UBND huyện Krông Bông đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương tiến hành di dời khẩn cấp các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở tại các thôn 3, 4 và 8 (xã Hòa Lễ), thôn 2 (xã Hòa Phong). Đồng thời, chính quyền hỗ trợ tiền và lương thực cho các gia đình có nhà bị sập. Về lâu dài, huyện đã có kế hoạch thành lập khu giãn dân quy mô 80 hộ tại xã Hòa Lễ để di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt sở đất cao.
Bên cạnh sạt lở đất, mưa lớn trên diện rộng còn khiến một số tuyến đường trên địa bàn huyện bị ngập như: Đường tràn thôn Ea Hăn (xã Cư Đrăm), tuyến đường thôn Cư Tê đi Ea Rớt (xã Cư Pui), đường vào thôn Ea Khiêm (xã Hòa Phong)… Ngoài ra, gần 300 ha cây trồng các loại trên địa bàn huyện bị ngập, trong đó, ở nhiều nơi bị ngập sâu.
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương khác trong tỉnh Đắk Lắk, tính đến chiều 30/11, có 29 hộ dân tại xã Cư San (huyện M’Đrắk) đã được di dời đến nơi an toàn. Nhiều diện tích ao nuôi trồng thủy sản ở huyện M’Đrắk bị ngập, gây thiệt hại cho người dân. Mưa lớn cũng gây ngập lụt tại buôn Ea Rớt, Vân Kiều và cô lập 200 hộ (800 khẩu thuộc các thôn 1, 2, 4, 6C, 6E) ở xã Cư Elang (Ea Kar)...
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các địa phương, lực lượng chức năng khẩn trương nắm bắt, kiểm tra, báo cáo tình hình mưa lũ, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết; tổ chức trực ban phòng, chống mưa, bão, lũ, đặc biệt là những vùng trọng yếu có nguy cơ cao. Các lực lượng chức năng sẵn sàng, chủ động phương án sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm; thường xuyên thông báo tình hình mưa, bão, lũ để nhân dân chủ động ứng phó, hạn chế đi lại trong vùng nguy hiểm, ngập lũ để đảm bảo an toàn tính mạng.