Mưa lớn tập trung ở các huyện phía Tây và Tây Bắc của tỉnh như Ea Súp, Cư M’Gar, Krông Búk, Buôn Đôn với lượng mưa đo được từ ngày 31/7 - 1/8 phổ biến từ 120 - 150mm; cá biệt tại trạm Ea Kiết, huyện Cư M’Gar đạt 300mm; các vùng khác trong tỉnh phổ biến từ 40 - 80mm.
Mưa lớn đã làm ảnh hưởng đến các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’Gar và Krông Búk. Tại huyện Ea Súp có 8 xã và 1 thị trấn bị ngập lụt; 926 ngôi nhà bị ngập từ 0,2m - 1m; gần 4.000 ha cây trồng bị ngập nước, hơn 28 ha ao nuôi cá bị ảnh hưởng, 17.070 con gia cầm và 61 con gia súc bị trôi.
Một số đoạn đường giao thông của huyện bị chia cắt như: Tỉnh lộ 1 có 3 điểm tại cầu Đắk Bùng (xã Cư Mlan), cầu cây Sung (xã Ea Rốk), cầu Trắng (nối xã Ea Rốk và xã Ya Jlơi); tuyến đường giao thông qua các thôn 12, 13 và 16 của xã Ea Rốk; tuyến đường liên huyện Ea Súp nối Cư M’Gar (đoạn qua thôn 6, thị trấn Ea Súp)…
Tại huyện Buôn Đôn, có 4 xã bị ảnh hưởng gồm Ea Wer, Ea Huar, Ea Bar, Krông Na. Tuyến đường thôn 6 và buôn Rếch của xã Ea Huar bị ngập gây hư hỏng. Tại huyện Cư M’Gar có 5 xã, 1 thị trấn (gồm Ea Mnang, Quảng Hiệp, Cư M’Gar, Ea Kpam, Quảng Tiến và thị trấn Ea Pốk) bị thiệt hại 263 ha cây trồng gồm cà phê, tiêu, lúa, hoa màu các loại; hư hỏng 10 giếng nước, nhiều đập dâng thủy lợi bị ngập và xói lở, một số đoạn đường giao thông nông thôn bị xói rãnh thoát nước.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Mai Trọng Dũng cho biết: trên cơ sở thông tin cảnh báo từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk, Văn phòng thường trực Phòng chống thiên tai tỉnh đã kịp thời gửi tin cảnh báo đến các huyện, thị, xã thành phố để kịp thời triển khai công tác ứng phó với mưa lớn, ngập lụt và lũ.
Nhìn chung, các địa phương đã chủ động triển khai công tác ứng phó thiên tai nhanh chóng, có hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ. Riêng huyện Ea Súp đã phối hợp với đoàn kinh tế Quốc phòng 737, lực lượng biên phòng chủ động sơ tán dân vùng có nguy cơ bị ngập đến nơi an toàn (xong trước 17 giờ ngày 30/7). Sau khi nước rút, các huyện đã huy động lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả thiên tai, tập trung khắc phục tạm thời các sự cố công trình, cơ sở hạ tầng đảm bảo sinh hoạt của nhân dân.
Hiện nay, mực nước ở các sông, suối đã xuống mức bình thường, không còn tình trạng ngập lụt. Tuy nhiên, trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, ông Mai Trọng Dũng đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện Công văn số 5712 ngày 3/7/2020 của UBND tỉnh Đắk Lắk về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa, lũ năm 2020.
Đồng thời, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; khẩn trương kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý và tham mưu bố trí nguồn lực để xử lý, đảm bảo an toàn các công trình trọng điểm xung yếu; giải quyết kịp thời các sự cố công trình hư hỏng, không để xảy ra sự cố vỡ đập hồ chứa nước.