Đại Lộc uống nước nhớ nguồn

Chăm lo chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là nhiệm vụ luôn được Huyện ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) quan tâm đặc biệt.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Hảo (bên trái), Bí thư huyện ủy Đại Lộc thăm hỏi các gia đình chính sách

Từ nhiều năm nay, việc chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng luôn được các cấp, các ngành tại địa phương đặc biệt quan tâm. Địa phương đã vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời 45 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống. Sự quan tâm của các cấp, các ngành trên địa bàn huyện đã phần nào làm vơi bớt những mất mát, đau thương, góp phần động viên các mẹ sống vui, sống khỏe.

Công tác cải thiện nhà ở cho người có công và thân nhân liệt sĩ được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, địa phương vận động nguồn hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ cải thiện 20 nhà ở cho người có công và thân nhân đang có khó khăn về nhà ở với số tiền hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Thắp nến tri ân nghĩa cử cao đẹp được huyện Đại Lộc thực hiện đều đặng vào mỗi dịp lễ, Tết.

Công tác quản lý mộ, nghĩa trang liệt sĩ được quan tâm thực hiện. Năm 2023, địa phương đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND các xã, thị trấn phối hợp thực hiện, thẩm tra và đề nghị giải quyết kịp thời hơn 1.000 hồ sơ thuộc chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng.

Ngoài ra, việc chuyển quà của Chủ tịch nước, quà của tỉnh, của huyện cho các gia đình chính sách nhân các dịp lễ, tết cũng luôn được thực hiện một cách trang trọng, chu đáo, ý nghĩa.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo huyện Đại Lộc thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách, người có công.

Việc giải quyết các chế độ Trợ giúp xã hội cũng được quan tâm thực hiện kịp thời, đảm bảo công bằng, đúng đối tượng, đúng quy định. Năm 2023, địa phương ban hành hơn 2.300 Quyết định giải quyết chế độ Trợ giúp xã hội cho các đối tượng theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ Quy định chính sách Trợ giúp xã hội đối với đối tượng Bảo trợ xa hội và Nghị quyết 43/2021/NQ-HĐND ngày 8/12/2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam quy định mức chuẩn Trợ giúp xã hội, mức Trợ giúp xã hội đối với đối tượng Bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Chú thích ảnh
Tượng đài chiến thắng Thượng Đức - địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là thế hệ trẻ huyejn Đại Lộc nói riêng và Quảng Nam nói chung.

Công tác lao động, việc làm năm 2023 với hoạt động khởi đầu là tổ chức thành công Sàn giao dịch việc làm huyện Đại Lộc. Sự kiện đã huy động sự tham gia của 22 doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh và 800 người lao động trên địa bàn huyện đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm.

Cũng trong năm 2023, địa phương đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề Thanh niên tỉnh Quảng Nam tổ chức mở 07 lớp đào tạo nghề cho người lao động. Công tác tư vấn, tuyên truyền hướng nghiệp, phân luồng giáo dục, xuất khẩu lao động,... đã góp phần thực hiện đảm bảo công tác giải quyết việc làm cho 1.513 người lao động và đưa 207 người lao động tại địa phương đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Chú thích ảnh
Khai trương sàn giao dịch việc làm nhằm giải quyết việc làm cho người lao động.
Chú thích ảnh
Lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực.

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em với nhiều chương trình, hoạt động phong phú, ý nghĩa. Các địa phương, các trường học tổ chức nhiều hoạt động cho trẻ em nhân các dịp Tháng hành động Vì trẻ em, Tết Trung thu, ngày khai giảng năm học mới... Vận động các nguồn lực trong xã hội tặng hàng chục nghìn suất quà và học bổng cho trẻ em trên địa bàn.
|
Công tác tuyên truyền, phát động thực hiện cắm biển cảnh báo tại những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em được các hưởng ứng mạnh mẽ với hơn 90 biển cảnh báo được cắm tại những khu vực ao, hồ, sống, suối... trên địa bàn các xã, thị trấn.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2023, trên địa bàn huyện Đại Lộc còn 574 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,35% và 574 hộ nghèo hiện nay đều là hộ nghèo không có khả năng lao động.

Trong năm 2023, huyện Đại Lộc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân, đối tượng bảo trợ xã hội, các chính sách về lao động, việc làm, trẻ em và bình đẳng giới góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới hệ thống chính trị huyện Đại Lộc sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời các chế độ, chính sách mà trọng tâm là xóa sạch nhà tạm cho gia đình thuộc chính sách người có công với cách mạng, các đối tượng xã hội; tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; vận động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, người mắc bệnh hiểm nghèo, khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt,... Từ đó tạo tiền đề vững chắc góp phần xây dựng huyện Đại Lộc trở thành huyện Nông thôn mới vào cuối năm 2024.

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Hồng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN