Đại hội đã bầu 42 vị vào Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc; trong đó có 15 người trong Ban Thường trực. Hòa thượng Thích Thanh Duệ được Đại hội suy cử tái giữ chức Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Nhiệm kỳ tới, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phát huy truyền thống hòa hợp, đoàn kết, thực hiện tốt công tác Phật sự, xây dựng tổ chức hội vững mạnh toàn diện; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của Phật tử, đưa giáo lý Đức Phật vào cuộc sống; quan tâm thực hiện công tác nhân đạo, từ thiện. Đồng thời, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật, bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, ngăn chặn các luận điệu sai trái, chống phá Nhà nước, chống Giáo hội và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt các phong trào thi đua, cùng cấp ủy, chính quyền phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang mong muốn Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cùng toàn thể tăng ni, Phật tử tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc và phát huy những thành quả đạt được của Phật giáo tỉnh, tiếp tục củng cố tổ chức hội vững mạnh.
Ban Trị sự phối hợp với các cấp chính quyền trong tỉnh vận động đồng bào, Phật tử chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh; kiên định và thực hiện tốt phương châm hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân Vĩnh Phúc xây dựng địa phương ngày càng phát triển bền vững.
Hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 420 chùa với 790 tăng ni; trong đó có 141 chùa có sư trụ trì, kiêm nhiệm trụ trì. Những năm qua, tăng ni, Phật tử trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Giáo hội và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đất nước.
Với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đã động viên tăng ni phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, khắc phục mọi tiêu cực, hành vi lợi dụng tôn giáo làm ảnh hưởng đến sự hòa hợp trong Giáo hội, nhân dân. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả hướng dẫn Phật tử đi chùa lễ Phật, bài trừ mê tín dị đoan, gìn giữ giới luật, sống thiện lành, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; tự nguyện đóng góp và kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Công tác nhân đạo, từ thiện cũng được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh qua việc tuyên truyền, vận động các tăng ni, Phật tử đóng góp và kêu gọi, ủng hộ tiền, cơ sở vật chất (với tổng giá trị từ thiện trong nhiệm kỳ 2017 - 2022 là hơn 51 tỷ đồng) giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình cách mạng, trẻ em khuyết tật, mồ côi, đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh...