Đắk Glong cũng là huyện thuộc diện khó khăn nhất tỉnh Đắk Nông và thời gian qua đã được ưu tiên nguồn lực để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.
Người Mạ học nghề trồng dâu, nuôi tằm
Gia đình chị H’Liêm, dân tộc Mạ, trú tại Bon Ka Nur, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, hiện đang trồng hơn 1ha dâu để nuôi tằm. Theo nghề gần 5 năm nay, hiện mỗi tháng hai vợ chồng chị nuôi 2 lứa tằm, sản lượng kén tươi khoảng 150kg.
Nhờ vị trí tiếp giáp với nhiều cơ sở thu mua, sản xuất lụa tơ tằm tại tỉnh Lâm Đồng, kén tươi tại huyện Đắk Glong đang được các chủ vựa trong xã bao tiêu đầu ra, với giá từ 180.000 – 200.000 đồng/kg. Tính ra, sau khi trừ đi chi phí, mỗi tháng vợ chồng chị H’Liêm kiếm được khoảng 15 – 20 triệu đồng.
Gia đình chị H’Liêm là một trong các hộ đầu tiên là người Mạ, một dân tộc thiểu số tại chỗ của huyện Đắk Glong nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung, học và thành công với nghề trồng dâu nuôi tằm. Chị H’Liêm kể, nhiều năm trước, thấy một số hộ dân là người Kinh trồng dâu nuôi tằm, chị rất tò mò.
Những cánh đồng dâu xanh mướt trông rất bắt mắt và đối với bà con người Mạ thì rất lạ, vì loại cây này dễ trồng, lớn nhanh và thu hoạch liên tục. Thấy nghề trồng dâu, nuôi tằm không khó mà thu nhập ổn định, đều đặn hàng tháng, nên chị muốn tìm hiểu, học theo để làm. Tuy nhiên, nhiều lứa tằm kết quả không như mong muốn, sản lượng kén đạt thấp, chất lượng không đồng đều, bị thương lái chê.
“Nhìn đơn giản vậy, nhưng khi bắt tay vào nuôi thì thấy nhiều cái khó. Cái khó nhất là con tằm rất nhạy cảm; việc sử dụng các loại thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật khi trồng dâu hầu như hạn chế, và nếu có sử dụng thì phải đúng kỹ thuật, liều lượng và đảm bảo thời gian cách ly. Nếu không tuân thủ mà cắt dâu vào cho ăn thì cả lứa tằm bỏ hết”, chị H’Liêm chia sẻ.
Cũng theo chị H’Liêm, tằm nhạy cảm đến nỗi nếu các vườn trồng cà phê, tiêu, sầu riêng… liền kề mà phun thuốc sâu, thuốc trừ cỏ… thì gia đình chị phải tìm tới để coi chủng loại thuốc và ghi lại, để đảm bảo thời gian cách ly. Nếu không chú ý thì tằm chết hàng loạt, phải bỏ hết. Nhẹ thì cũng bị ảnh hưởng sản lượng, chất lượng kén…
“Có đợt gia đình đang nuôi dở lửa tằm thì nhà hàng xóm sửa chữa, thế là lứa đó phải bỏ hết vì mùi xi măng bốc qua, tằm không phát triển được”, chị H’Liêm kể.
Mấy năm trước, nhờ được cán bộ xã, huyện hướng dẫn và đưa vào mô hình trồng dâu nuôi tằm để giảm nghèo bền vững, nên gia đình chị H’Liêm vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm. Đến nay, gia đình chị H’Liêm đã cơ bản nắm vững quy trình sinh trưởng, phát triển của tằm, cách thức thu hoạch kén, cũng như quy trình chăm sóc để cây dâu sinh trưởng tốt, đảm bảo đạt chất lượng, sản lượng…
Nghề trồng dâu, nuôi tằm đã giúp gia đình chị H’Liêm có thêm nguồn thu nhập ổn định hàng tháng để lo cho 2 con đang đi học tại TP Hồ Chí Minh. Chị chia sẻ, nếu không có nghề trồng dâu, nuôi tằm thì việc lo cho các con ăn học sẽ rất vất vả. Bởi chi phí lo cho hai con ăn học mỗi năm không dưới 200 triệu đồng, trong khi vài năm trước gia đình chị vẫn thuộc diện nghèo của xã.
Theo một số hộ dân xã Quảng Khê, nghề trồng dâu nuôi tằm có ưu điểm là đầu tư ban đầu thấp, nếu bà con chịu khó học hỏi sẽ dễ thành công. Hiện bà con trồng phổ biến giống dâu siêu cành, lá to, sinh trưởng khỏa nên sản lượng lớn và ổn định. Điều kiện khí hậu địa phương mát mẻ hầu như quanh năm cũng rất phù hợp để phát triển ngành nghề này.
Gia đình ông K Sớ, trú tại bon B’Dơng, xã Quảng Khê, huyện Đắk G’long cũng rất thành công với việc phát triển chăn nuôi bò kết hợp với trồng, chăm sóc cà phê. Ông K Sớ kể, gần 10 năm trước ông khởi nghiệp chăn nuôi bằng một cặp bò giống. Tận dụng những khoảnh đất rộng rãi tại khu vực giáp ranh hồ thủy điện Đồng Nai 3, gia đình ông dựng chuồng trại và chăn thả bò. Nguồn phân thu ông sử dụng để bón cho vườn cà phê gần 2ha. Nhờ chí thú làm ăn và tích cực học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hiện gia đình ông đã phát triển đàn bò lên hơn 20 con, trong đó phần lớn là bò lai, có giá trị kinh tế cao. Nguồn thu từ vườn cà phê cũng khá ổn định với sản lượng hàng năm trên 3 tấn. Gia đình ông K Sớ nhiều năm nay đã thoát nghèo bền vững và trở thành một hộ gia đình làm kinh tế giỏi, bản thân ông cũng trở thành một người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây.
Lập nhóm zalo để hỗ trợ người dân
Ông Nguyễn Tiến Duẩn, Chủ tịch UBND xã Quảng Khê cho biết, để hỗ trợ bà con là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, xã đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, từ hướng dẫn kỹ thuật, “cầm tay, chỉ việc” cho các hộ dân, cho đến kết nối các doanh nghiệp, hộ kinh doanh để đảm bảo đầu ra, để bà con nông dân yên tâm sản xuất.
“Chúng tôi làm việc với đại diện các thôn và mời các hộ dân tâm huyết với nghề trồng dâu nuôi tằm để làm trước. Sau đó các hộ này sẽ hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm lại cho người thân, bà con họ hàng. Các hộ gia đình tiên phong được UBND xã và ngành chức năng của huyện tổ chức đi tham quan nhà máy sợi tơ tằm ở huyện Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) và các mô hình trồng dâu, nuôi tằm hiệu quả tại địa phương trước khi bắt tay vào khởi nghiệp. Xã, huyện cũng hỗ trợ bà con cây giống, kỹ thuật, phân bón, dụng cụ nuôi… để bà con yên tâm học, theo nghề mới.”, ông Nguyễn Tiến Duẩn chia sẻ với phóng viên.
Cũng theo ông Chủ tịch UBND xã Quảng Khê, để các hộ chia sẻ kinh nghiệm và việc nắm bắt thông tin kịp thời, xã cũng lập một nhóm zalo gần 30 thành viên, trong đó đa số là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Khi ghi nhận tằm ăn không khỏe hoặc có các dấu hiệu bất thường, nhiễm bệnh… thì hộ gia đình chia sẻ hình ảnh, thông tin và sẽ được hỗ trợ, hướng dẫn xử lý. Các thành viên trong nhóm cũng điều phối lá dâu từ hộ thiếu sang hộ thừa, chia sẻ các thông tin về thị trường, về việc xử lý phân bón, phụ phẩm từ quá trình trồng dâu nuôi tằm để bón cho các loại cây trồng khác…
“Nhiều hộ gia đình trong xã phát triển mạnh nghề trồng dâu, nuôi tằm và thu nhập ổn định hàng tháng từ 50 – 70 triệu đồng sau khi trừ đi chi phí. Nhiều hộ tham gia mô hình và sau khi bán lứa tằm đầu tiên đã thật thà chia sẻ với các hội viên là “em trước giờ chưa bao giờ cầm trong tay được 10 triệu đồng”, “nếu không có chị H’Liêm giúp đỡ thì không bao giờ”... ông Nguyễn Tiến Duẩn chia sẻ thêm với phóng viên.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Quảng Khê, trồng dâu nuôi tằm là một mô hình làm ăn phù hợp với các điều kiện, lợi thế sẵn có của địa phương đó là đất đai rộng, khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Nghề này đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và lan tỏa một phòng trào làm ăn kinh tế mới tại xã. Bên cạnh đó, xã Quảng Khê cũng có nhiều mô hình chăn nuôi bò, chăn nuôi dê sinh sản... Chính nhờ các mô hình chăn nuôi mà nhiều hộ dân đã phát triển được kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ưu tiên cho bà con dân tộc thiểu số tại chỗ
Trên phạm vi toàn huyện, theo UBND huyện Đắk Glong, thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững) mấy năm nay, ngành chức năng của huyện đã hỗ trợ các xã phát triển nhiều mô hình đa dạng hóa sinh kế. Tổng số hộ thụ hưởng là 290 hộ, trong đó, hộ nghèo chiếm 68%, hộ cận nghèo chiếm 23%, còn lại là các hộ dân vừa thoát nghèo, hộ sinh sống trên địa bàn huyện nghèo (chiếm 9%). Các mô hình phổ biến bao gồm: trồng dâu, nuôi tằm; nuôi dê sinh sản; nuôi bò sinh sản; nuôi gà...
Huyện cũng tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, kỹ thuật cải tạo chăm sóc cà phê; kỹ thuật chăn nuôi dê để hỗ trợ nông dân vững vàng về kỹ thuật, quy trình chăn nuôi, sản xuất, đảm bảo đồng vốn hỗ trợ phát huy hiệu quả và giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo.
Theo ông Trần Duy Đại, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đắk Glong, huyện đã nhận được sự quan tâm, ưu tiên, hỗ trợ của trung ương và tỉnh để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Và hỗ trợ bà con là đồng bào dân tộc thiểu số phát triển các mô hình sinh kế, học nghề là một ưu tiên hàng đầu của chương trình. Cách làm của huyện là mời các hộ dân tâm huyết, quyết tâm làm tham gia mô hình trước. Việc tổ chức bài bản từ khâu tập huấn, cấp con giống, hỗ trợ chuồng trại, vật tư phục vụ chăn nuôi cho đến kết nối đầu ra cho sản phẩm. Khi mà bà con trong bon, buôn (đơn vị hành chính tương đương cấp thôn - PV) thấy được những hộ đang làm trong dự án, thụ hưởng các chương trình mà đạt được kết quả tốt thì phong trào sẽ lan tỏa dần thì bà con bắt đầu học hỏi và làm theo. Đó cũng là cách nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả nhất.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo mới nhất, huyện Đắk Glong hiện có hơn 2.500 hộ nghèo, chiếm hơn 13% tổng số hộ toàn huyện. Tỷ lệ này đã giảm hơn 25% so với năm 2021, là thời điểm huyện bắt đầu triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.