Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa nghiện ma túy, năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các địa phương tổ chức 3 lớp tập huấn nâng cao năng lực công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao, người sử dụng trái phép chất ma túy.
Trong 9 tháng năm 2024, đã có hơn 500 lượt người là công chức phụ trách lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội cấp huyện, cấp xã và thành viên của 36 Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã, được tập huấn nâng cao kiến thức tuyên truyền. Đồng thời, ngành chức năng cũng in, chuyển phát cho các địa phương 57.000 sổ tay, tờ gấp truyền thông lĩnh vực phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội.
Các nội dung về phòng, chống và cai nghiện ma túy được Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tập huấn cho gần 400 lượt người, là công chức cấp huyện, cấp xã làm công tác dân tộc và bí thư, trưởng thôn, người làm công tác đoàn thể ở thôn, người có uy tín tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Thông qua đó, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giúp con em người đồng bào dân tộc tránh xa “cái chết trắng”.
Tại huyện Di Linh, địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa ma túy được đẩy mạnh thực hiện với nhiều giải pháp. Trong đó chú trọng việc đổi mới, đa dạng về nội dung, hình thức và tập trung hướng về địa bàn cơ sở. Trọng tâm của hoạt động tuyên truyền được lồng ghép với các hoạt động văn hoá - xã hội, các phong trào, các cuộc vận động. Lực lượng chức năng của địa phương cũng xây dựng và duy trì 25 mô hình tự quản về an ninh trật tự. Cùng với đó là đẩy mạnh các bài viết tuyên truyền phòng, chống ma túy trên mạng xã hội nhằm lan tỏa đến người dân.
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2024, Sở đã triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy” trên địa bàn. Trong đó, công tác tuyên truyền được đa dạng hóa về hình thức, nội dung thông tin có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm lứa tuổi khác nhau.
Ngoài các kênh thông tin chính thống, nội dung tuyên truyền còn được phổ biến trên không gian mạng. Cụ thể như đăng tải bài viết, video trên các website, mạng xã hội như facebook, zalo… để dễ dàng truyền tải thông điệp đến người dân, góp phần phổ biến kiến thức về hậu quả, tác hại của ma túy, các chính sách, pháp luật về phòng ngừa nghiện ma túy tại trường học, nơi làm việc, gia đình và cộng đồng.
Xây dựng mô hình điểm
Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, từ 2020 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng đã phối hợp triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, đã tổ chức 19 hội nghị tập huấn, tuyên truyền cho 4.935 lượt người tham dự là công chức phụ trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cộng tác viên, Đội công tác xã hội tình nguyện, hội viên, đoàn viên chủ chốt của các đoàn thể chính trị xã hội, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, người có uy tín tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Phát 30.000 cuốn sổ tay về phòng, chống và cai nghiện ma túy, 2.140 cuốn sổ tay, cẩm nang, bản tin tài liệu về phòng, chống tệ nạn xã hội; lắp đặt, sửa chữa 5 cụm panô về phòng chống tệ nạn xã hội.
Đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Đội tình nguyện) được xác định là “cánh tay nối dài” trong công tác tuyên truyền, phòng ngừa nghiện ma túy ở các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, các tình nguyện viên của 8 đội tình nguyện đã phát hàng ngàn tờ rơi tuyên truyền, tổ chức hơn 100 buổi nói chuyện chuyên đề; tổ chức các hội nghị lồng ghép tuyên truyền về giáo dục và phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy trên địa bàn. Đồng thời phối hợp với lực lượng công an, các tổ chức chính trị - xã hội, các trường học, khu dân cư tổ chức các buổi nói chuyện cho hàng ngàn lượt người về tác hại của ma túy và cách phòng, chống.
Theo đại diện Đội công tác xã hội xã Đạ R’sal (huyện Đam Rông), là địa bàn vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các tình nguyện viên của Đội luôn chủ động phối hợp với công an huyện và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền phòng ngừa nghiện ma túy cho các nhóm có nguy cơ trên địa bàn. Trong đó trực tiếp tuyên truyền cho các em học sinh về tác hại và kỹ năng phòng ngừa ma túy trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa tại các trường học và tuyên truyền cho các thanh thiếu niên trong đợt sinh hoạt hè hàng năm.
Để tăng cường phòng ngừa nghiện ma túy trong tình hình mới, năm 2024, cũng là năm đầu tiên Sở Lao động thương binh và xã hội Lâm Đồng phối hợp với huyện Di Linh tổ chức khảo sát, xây dựng, triển khai thực hiện thí điểm mô hình phòng ngừa nghiện ma túy tại xã Hòa Ninh, huyện Di Linh. Hiện nay mô hình này đang được ngành chức năng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt kinh phí thực hiện.
Theo lãnh đạo UBND Di Linh, nếu được triển khai, địa phương sẵn sàng ủng hộ vì đây là mô hình hay, thiết thực. Thông qua mô hình sẽ giúp giảm nguy cơ về tệ nạn ma túy, tăng hiệu quả phòng ngừa nghiện ma túy ở xã Hòa Ninh nói riêng, các xã phía nam huyện nói chung.
Để nâng cao hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương triển khai các biện pháp phòng ngừa việc sử dụng ma túy và nghiện ma túy. Xây dựng tài liệu truyền thông, pano, áp phích, tờ rơi... về phòng, chống ma túy, nghiện ma túy.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy; phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng thời phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai thực hiện “Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2025.