Năm 2005, thành phố Sóc Trăng được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III. Đến nay, quy hoạch phân khu của thành phố Sóc Trăng đã đạt 89,37%. Đây là cơ sở để tỉnh Sóc Trăng lập quy hoạch chi tiết triển khai các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm cho thành phố Sóc Trăng phát triển đúng hướng đô thị loại II và là nền tảng cơ bản để thành phố trở thành 1 trong 6 đô thị loại I của đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Quy hoạch của UBND tỉnh, thành phố Sóc Trăng sẽ có tính chất là đô thị tỉnh lỵ, đô thị trọng điểm mang tính đầu tàu của hệ thống đô thị trong tỉnh; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, dịch vụ, giáo dục, thể dục thể thao, y tế, khoa học kỹ thuật và công nghiệp của tỉnh.
Đến năm 2020, thành phố Sóc Trăng có tổng diện tích khoảng 7.599 ha, gồm 10 phường, quy mô dân số toàn đô thị đạt 203.056 người, tỷ lệ tăng dân số đạt 1,85% và mật độ dân số toàn đô thị là 2.672 người/km2. Trong giai đoạn 2018-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của thành phố đạt 15,81%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông-lâm-thủy sản theo mục tiêu đề ra. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt 89,8%.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố năm 2020 hơn 933 tỷ đồng, tổng chi ngân sách gần 728 tỷ đồng; cân đối thu chi ngân sách dư. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của thành phố đạt 88,9 triệu đồng/người, cao hơn 1,4 lần so thu nhập bình quân cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 0,15%. Hiện nay, thành phố Sóc Trăng có tỷ lệ đất dân dụng bình quân đạt 64,4m2/người; diện tích sàn nhà ở bình quân cho khu vực nội thị đạt 26,67m2 sàn/người; tỷ lệ nhà kiên cố, bán kiên cố khoảng 97,4%.